Multimedia

Emagazine

E-magazine Những người trẻ say mê hồn gốm sứ

1. Là người con của vùng đất Hải Dương, anh Vũ Duy Trường (SN 1985, phường Yên Thế, TP. Pleiku) luôn tự hào với làng nghề gốm Chu Đậu của quê hương. Từ nhỏ, anh đã mê mẩn với những bình gốm với đủ hình thù và kích thước khác nhau do các nghệ nhân ở làng Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách) làm ra. Năm 9 tuổi, anh Trường cùng bố mẹ vào Gia Lai sinh sống. Dẫu vậy, tình yêu với gốm sứ vẫn nung nấu trong anh.

Năm 2005, sau khi xuất ngũ trở về, anh Trường ấp ủ mở một cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán các loại gốm sứ Việt giữa lòng Pleiku. Để có thể thực hiện được ước mơ, anh đã miệt mài làm việc, tích cóp vốn liếng, đến năm 2022, anh chạm tới ước mơ của mình.

Anh Trường cho biết: “Cuộc sống con người luôn hướng tới cái đẹp và gốm sứ Việt là một trong những nét đẹp cần được lưu giữ. Cửa hàng gốm sứ như một phần tâm hồn của tôi. Tôi tự hào đưa về đây trưng bày và giới thiệu cho khách hàng những sản phẩm đặc trưng của gốm làng Chu Đậu. Với đặc điểm nổi bật là men trắng, trong cùng kiểu dáng và họa tiết của hoa văn tinh xảo, gốm sứ Chu Đậu mang đậm bản sắc văn hóa Việt”.

Theo anh Trường, cuộc sống càng hiện đại, con người lại càng có xu hướng kết nối với thiên nhiên, với những điều bình dị, mộc mạc. Gốm sứ trở thành lựa chọn của nhiều gia đình để trưng bày trong nhà cửa. “Ngày nay, những người thợ làm gốm sứ đã nghiên cứu, sáng tạo cho ra những sản phẩm cách điệu với hoa văn và hình dáng phong phú. Các sản phẩm ngày càng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của khách hàng”-anh Trường chia sẻ.

Tuy cửa hàng gốm sứ của anh Trường mới mở nhưng luôn thu hút đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh với giá cả bình dân và mẫu mã đa dạng. Anh Hoàng Văn Phú (tỉnh Kon Tum) cho hay: “Tôi vốn yêu thích các mặt hàng gốm sứ Việt. Chính vì vậy, khi xây xong căn nhà, tôi đã tìm đến cửa hàng gốm sứ của anh Trường để đặt mua một số sản phẩm về trưng bày trong nhà”.

2. Trò chuyện với anh Hồ Văn Long (SN 1984, phường Đống Đa, TP. Pleiku) chúng tôi cảm nhận được tình yêu gốm sứ Việt trong anh rất lớn và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Anh kể: “Tôi bén duyên với gốm sứ từ những năm còn là sinh viên ngành Thiết kế nội thất, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP. Hồ Chí Minh). Sau đó, tôi quyết định tìm hiểu và lên ý tưởng sử dụng gốm sứ làm tiểu cảnh sân vườn, nhà hàng,…”

Năm 2015, anh Long về Gia Lai mở quán cà phê tạo tiểu cảnh bằng gốm sứ với phong cách gần gũi với thiên nhiên tại đường Lý Tự Trọng (TP. Pleiku). Đây được xem là địa điểm đầu tiên ở Gia Lai kết nối được gốm sứ với cà phê-nét đặc trưng của phố núi.

Lý giải về niềm say mê của mình với gốm sứ Bình Dương, anh Long cho rằng: Đây là một thương hiệu gốm sứ Việt nổi tiếng có bề dày lịch sử lâu đời. Các mặt hàng gốm ở Bình Dương từ trước đến nay đều đa dạng về mẫu mã thiết kế. Gốm Bình Dương chủ yếu ở dạng sành xốp nên men trắng vẫn ở dạng trắng ngà, các loại hoa văn trang trí luôn đa dạng và mang linh hồn văn hóa Việt.

Vẻ đẹp của gốm sứ Bình Dương khi được anh Long kết hợp cùng cây xanh đã tạo nên những tiểu cảnh bắt mắt, mang nét độc đáo riêng biệt. Ngoài thiết kế cho một số gia đình, anh Long cũng đã thiết kế tiểu cảnh gốm sứ cho vài quán cà phê, nhà hàng trên địa bàn TP. Pleiku và các tỉnh lân cận. Giá một công trình có khi chỉ chừng vài triệu đồng nhưng cũng có công trình lên đến vài chục triệu, trăm triệu đồng tùy kích thước tiểu cảnh và nhu cầu của khách hàng.

Sau một lần ghé quán cà phê của gia đình anh Long, chị Trần Thị Minh Nguyệt (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) thực sự bị thu hút bởi hình thù và hoa văn trên những bình gốm sứ được bày trí tại đây. “Không gian quán cà phê trở nên đặc biệt hơn khi được thiết kế, trang trí bằng các tiểu cảnh gốm sứ nghệ thuật. Ngồi thưởng thức cà phê giữa bao quanh là cây xanh, gốm sứ, mọi người cảm thấy bình dị, gần gũi mà cũng rất thư thái”-chị Nguyệt cho biết.

Dù rằng mô hình quảng bá, giới thiệu gốm sứ của anh Trường và anh Long khác nhau nhưng ở họ đều có một điểm chung là cùng lan tỏa tình yêu với gốm sứ Việt. Trong guồng quay hiện đại, những con người ấy đã nỗ lực làm “sống dậy” những sản phẩm truyền thống của cha ông.

Có thể bạn quan tâm