Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Những thương binh "tàn nhưng không phế" ở thị xã An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mang trong mình di chứng chiến tranh nhưng nhiều thương binh trên vùng đất An Khê (tỉnh Gia Lai) vẫn phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Không ít người trong số họ trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Khi chúng tôi đến nhà, vợ chồng thương binh Phạm Tấn Lực (thôn 5, xã Thành An) đang chăm sóc vườn ớt rộng gần 8 sào. Ông Lực chia sẻ: “Giá ớt hiện tại là 40.000 đồng/kg. Dẫu giá ớt có giảm khi vào vụ thu hoạch thì chúng tôi cũng vẫn có thu nhập khá”.
Trò chuyện với vợ chồng ông Lực, điều dễ nhận thấy ở họ là sự lạc quan trong suy nghĩ. Chính điều này đã giúp vợ chồng ông vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thời chiến, ông là bộ đội đặc công, bị thương trong trận đánh Dốc Sỏi-Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Còn bà Nguyễn Thị Đào (vợ ông) từng là bộ đội pháo binh.
Sau khi xuất ngũ, chọn vùng đất Thành An để sinh sống, ông bà phải đối mặt với vô vàn khó khăn như: thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm làm ăn trong khi sức khỏe suy giảm. Thế nhưng, được sự quan tâm của chính quyền và Hội Cựu chiến binh xã, ông bà đã nỗ lực vươn lên. Bà Đào tự hào nói: “Nhà tôi hiện có 2 ha bạch đàn, gần 8 sào ớt, 2 con trâu, 2 con bò, 1 ao cá. Nhưng tài sản quý nhất là 3 đứa con đã trưởng thành”.
Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, những năm gần đây, gia đình thương binh Phạm Tấn Lực đã có nguồn thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/năm. Kinh tế khởi sắc, ông bà tích cực đóng góp giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Anh Quân-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thành An-nhận xét: “Không chỉ là tấm gương sáng trong lao động sản xuất, vợ chồng ông Lực còn là nòng cốt trong công tác giữ gìn an ninh trật tự tại thôn 5”.
Vợ chồng ông Phạm Tấn Lực (thôn 5, xã Thành An) chăm sóc vườn ớt của gia đình. Ảnh: Nguyên Giang
Vợ chồng ông Phạm Tấn Lực (thôn 5, xã Thành An) chăm sóc vườn ớt. Ảnh: Nguyễn Giang
Cũng là thương binh, ông Võ Đình Trinh (thôn Thượng An 1, xã Song An) khiến nhiều người phải nể phục về ý chí phấn đấu vươn lên làm giàu. Từ chỗ chỉ có vài sào đất trồng mì, phải đi làm thuê để nuôi 4 người con, trong đó có người con gái út bị nhiễm chất độc da cam, đến nay, gia đình ông sở hữu 24 ha keo, 2 máy xúc, 1 xe tải và 1 ô tô con. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập lên tới 600 triệu đồng.
Ông Trinh kể: “Vợ chồng tôi được như ngày hôm nay là nhờ biết tiết kiệm và chịu khó lao động. Những mảnh đất người dân trồng mì cho năng suất kém hay những hộ đi làm công nhân có nhu cầu bán đất, vợ chồng tôi mua lại để trồng rừng. Cứ thế, gia đình tôi dần vươn lên. Hiện nay, ngoài diện 24 ha keo, tôi đang thử nghiệm nhiều giống cây ăn quả. Khi tìm ra giống cây hợp với thổ nhưỡng, tôi sẽ đầu tư trồng để phát triển kinh tế gia đình”.
Vài năm trước, khi còn khỏe, ông Trinh rất xông xáo, tận tâm trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Thượng An 1. Ông luôn nhiệt tình vận động, hướng dẫn hội viên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Hiện nay, sức đã yếu, vết thương từ hồi chiến tranh thường xuyên đau nhức, ông Trinh lại chọn cách khác để chia sẻ với những đồng đội gặp khó khăn. Mỗi năm, ông dành khoảng 20 suất quà (mỗi suất trị giá 250 ngàn đồng) để tặng hội viên nghèo trong dịp Tết Nguyên đán; hỗ trợ 50% tiền mua bê giống cho một số hộ đặc biệt khó khăn. Những việc làm này của ông được bà con trong thôn trân trọng, cảm kích.       
Ông Phạm Ngọc Ánh-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi thị xã An Khê: Hiện nay, Câu lạc bộ có hơn 90 hội viên, trong đó có nhiều thương-bệnh binh. Họ không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà luôn có ý thức vươn lên để làm giàu cho gia đình, đóng góp cho xã hội. 

                                                                               NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm