Kinh tế

Nông nghiệp

Nợ đọng xây dựng cơ bản xây dựng nông thôn mới còn trên 12.000 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Báo cáo giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nêu rõ, một vấn đề nổi cộm của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là nợ đọng xây dựng cơ bản rất lớn: 53/63 tỉnh thành có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.

 
a
Làm đường giao thông nông thôn tại xã Chư Jôr (huyện Chư Pah).

Đáng lưu ý, số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ) là khu vực có phong trào xây dựng NTM dẫn đầu cả nước. 2 khu vực này có số nợ đọng lớn nhất, chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước. Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận NTM chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước. Số nợ đọng này chiếm 1,8% tổng nguồn lực huy động cho Chương trình và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện.

Giải trình trước Quốc hội chiều 4-11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Một số địa phương có tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng lớn (Bắc Ninh nợ 1.600 tỷ đồng). Tuy nhiên  Bộ trưởng giải thích, một phần lý do khiến con số nợ đọng lớn là cuối năm 2015, thời điểm UBTVQH giám sát là lúc các địa phương đang giai đoạn chạy nước rút. Đến nay, Bắc Ninh đã giải quyết cơ bản nợ đọng. “Con số trên 15.000 tỷ đồng nợ đọng hiện nay còn trên 12.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng nêu.

Bộ trưởng cũng cho rằng, Chương trình xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp là chương trình rường cột để thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đây là chương trình tổng thể thực hiện trên 70% lãnh thổ với 9.000 xã, lần đầu tiên thực hiện lượng hóa NTM bằng bộ tiêu chí. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nền kinh tế gặp khó khăn nhưng sau 6 năm thực hiện, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, toàn dân đã đạt những kết quả rất quan trọng. Sự nhận thức của toàn hệ thống đã thể hiện rất rõ, chương trình xây dựng NTM đã được quan tâm của cả hệ thống, nhân dân, doanh nghiệp. 5 năm qua, đã huy động trên 1 triệu tỷ đồng đầu từ cho nông nghiệp, nông thôn, nhờ thế các thiết chế về phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạ tầng nông thôn đã được thay đổi. 98,82% điện lưới quốc gia đã đến hộ, cho thấy nỗ lực rất lớn. 5 năm đã tạo 20.000 mô hình sản xuất nông nghiệp. Năm 2016, thiên tai nặng nề nhưng đến giờ này, sản xuất nông nghiệp vẫn tốt, xuất khẩu năm nay đạt trên 31 tỷ USD. Đời sống nông dân được nâng lên, thu nhập đã tăng 1,8 lần. Đời sống tinh thần của nông dân cũng được nâng lên, minh chứng là các lễ hội lành mạnh được phục hồi. “Huyện Hải Hậu, Nam Định là điển hình về xây dựng NTM, ở đó đời sống người dân đã thay đổi rất nhiều”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận những tồn tại của chương trình xây dựng NTM. “Do chương tình thực hiện trên diện quá rộng, lại trong bối cảnh kinh tế khó khăn nên những yếu kém mà báo cáo giám sát và các ĐBQH nêu là rất rõ ràng.  Thời gian tới, phải khắc phục bằng được, các bộ ngành, địa phương phải nhận rõ trách nhiệm để làm tốt hơn”, ông Nguyễn Xuân Cường nêu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng cho biết, Chính phủ cũng đã quyết định sửa Bộ tiêu chí NTM. Bộ tiêu chí mới xác định nhóm tiêu chí cứng: đẩy mạnh sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường, củng cố hệ thống chính trị... Còn các tiêu chí mềm về hạ tầng thì căn cứ từng tỉnh thành để có quyết định phù hợp. Về nguồn lực, dù khó khăn, phải cắt giảm các lĩnh vực khác nhưng Chính phủ đã quyết định không cắt giảm nguồn lực của 2 chương trình quốc gia là xây dựng NTM và xóa đói giảm nghèo. Chính phủ dành 25.000 tỷ đồng để hỗ trợ các ngân hàng nhằm huy động trong các năm tới ít nhất 1 triệu tỷ đồng đầu tư cho khu vực nông nghiệp.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm