Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Nỗ lực tìm hướng thúc đẩy xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, đạt 214 tỷ USD năm 2017. Trong đó, đóng góp nhiều nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 155,1 tỷ USD... Xuất khẩu nông-lâm-thủy sản cũng đạt con số ấn tượng với 36 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức mới trước khả năng xảy ra chiến tranh thương mại, xu hướng bảo hộ của nhiều nước lớn, yêu cầu nâng tiêu chuẩn hàng nông sản, thủy sản.

Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu. Đương nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiểu rõ những thách thức khi nhiều nước đang nâng tiêu chuẩn sản phẩm cao hơn, đặc biệt đối với nông sản, thực phẩm, kể cả quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật… cũng ngày càng khắt khe. Trong khi đó, một bộ phận người dân, doanh nghiệp nước ta sản xuất lại chưa gắn với thị trường, chất lượng sản phẩm chưa bảo đảm.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Vì thế, không khó hiểu khi tại Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu được tổ chức hôm 23-4 với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra 5 câu hỏi lớn và đề nghị mọi người cùng tìm câu trả lời để cùng với Chính phủ tìm hướng đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới nhiều hơn nữa.

Thứ nhất là làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam, làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ hai là có sáng kiến gì để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu. Thứ ba là làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu. Thứ tư là tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa thế nào. Và cuối cùng, đâu là khâu yếu nhất của Việt Nam trong xuất khẩu hiện nay.

Đặt ra 5 câu hỏi với hội nghị nhưng thực ra, Thủ tướng cũng đã gợi ý câu trả lời, khi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải hành động nhanh, quyết liệt hơn nữa thì mới tạo được bứt phá cho xuất khẩu. Bên cạnh việc mở rộng thị trường mới, Thủ tướng đề nghị tập trung phát huy những mặt hàng lợi thế của Việt Nam, xây dựng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính của thế giới… Cần có chiến lược toàn diện để góp phần xây dựng “bức tranh xuất khẩu” lớn cho cả nước, nhất là khi nhiều địa phương có lợi thế tương tự nhau như các tỉnh Duyên hải miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. “Trước mắt là hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tạo liên kết với khu vực FDI, từ đó gia nhập và tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu. Nghiên cứu các rào cản đối với liên kết này, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, kể cả sửa đổi Nghị định 111, 215 về công nghiệp phụ trợ… 75% kim ngạch xuất khẩu là từ khu vực FDI, do đó, nếu liên kết được khu vực này thì giá trị gia tăng của Việt Nam cao hơn”-Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thật chí lý khi nhắc lại câu nói của Benjamin Franklin-một chính trị gia nổi tiếng của Hoa Kỳ: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng nhấn chìm tàu lớn”. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải tìm cách giảm chi phí ở mọi khâu để gỡ bỏ những trở ngại, giúp doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi như chi phí logistics, chi phí vốn, thủ tục, tiền lương, thuế, phí, lệ phí, hải quan, kiểm tra chuyên ngành… ; đặc biệt là chi phí không chính thức hay chi phí “gầm bàn” mà theo phản ánh của doanh nghiệp là còn khá lớn.

Trước thực trạng bộ máy phục vụ xuất khẩu vẫn còn “chỗ này, chỗ kia” vận hành chưa trơn tru, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu phải sửa đổi một số văn bản pháp lý để khuyến khích xuất khẩu, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu.

Có dự hội nghị mới thấy sự cầu thị của người đứng đầu Chính phủ trong nỗ lực tìm hướng phát triển xuất khẩu của quốc gia, khi nghe ông nói như tâm tình với doanh nghiệp: “Nếu ai e ngại không nói ra đây được thì có thể viết thư cho Thủ tướng”.

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm