Xưa nay, người ta nói buôn gian bán lận thường chỉ ở chốn chợ búa, thương trường. Giáo dục luôn mang sự thuần khiết, trong sáng. Thế nhưng, những gì đang xảy ra trong ngành "trồng người" đã khắc họa một bức tranh nhơ nhuốc đến khó tin.
Cả hai đối tượng đáng lên án nhất trong vụ mua điểm chấn động ở vài tỉnh phía Bắc thời gian qua lại là những thầy cô (cán bộ giáo dục) và các bậc cha mẹ hầu hết là cán bộ công chức.
Dư luận sửng sốt vì một danh sách dài gồm cả chục phụ huynh ở Sơn La là cán bộ nhà nước "mua điểm" cho con cháu, vừa được phơi bày. Trong đó, nhiều ông/bà là cán bộ đương nhiệm quản lý ngành giáo dục, thuế vụ, công an. Với vị trí của mình, có lẽ họ không ít lần đã đứng ra rao giảng về đạo đức, sự trung thực, tính liêm chính. Thế nhưng, chính những cán bộ này lại thực hành sự dối trá ngay trên tương lai của con em họ.
Với con số được nâng chêch lệch từ vài điểm đến 25 điểm, những kẻ mua - bán này đã cướp đoạt đi cơ hội, vị trí xứng đáng của những học sinh khác. Với tình trạng gian lận thi cử, mua bán điểm số để kiếm suất vào đại học, thậm chí giành học bổng, đoạt thủ khoa, có biết bao em học sinh nỗ lực nghiêm túc đã bị tước đoạt quyền đến trường? Những người có quyền cao chức trọng kia thật nhẫn tâm khi lo lót cho con mình đi trên con đường lát tiền bằng phẳng và đẩy con em của dân thường ra hố vực cuộc đời.
Buộc thôi học các sinh viên gian lận điểm và trả vị trí cho những thí sinh bị đánh rớt oan ức là việc cần làm, nhưng điều mà dư luận quan tâm hơn, chính là biện pháp xử lý đối với người lớn, những kẻ chủ trương dùng tiền bạc và quyền thế để tạo ra bất công.
Luận về cả pháp luật và đạo đức, tội của các phụ huynh mua điểm kia là không hề nhỏ. Tuy nhiên, hiện chính quyền chỉ mới có động thái tạm dừng các hoạt động bổ nhiệm, điều chuyển liên quan đến các cán bộ mua điểm.
Ở đây, hầu hết những người tham gia chạy điểm là người hiểu biết pháp luật, nhưng họ đã có hành vi phạm tội. Cụ thể là tội "đưa hối lộ". Đó là lý do mà cơ quan chức trách phải nghiêm trị làm gương. Nếu dung túng cho những công chức lừa dối kia, cả xã hội sẽ mất niềm tin vào tính nghiêm minh của pháp luật và sự liêm chính của cơ quan nhà nước.
Dung túng trong trường hợp này, có nghĩa là thừa nhận với cộng đồng rằng chúng ta chấp nhận các công chức mang trên mình sự dối trá và hành vi cướp đoạt, vào hệ thống công sở. Và hơn hết thảy, hãy làm tất cả để trả lại cho đất nước một môi trường giáo dục công bằng, trong sáng, nhân văn.
Quý Lâm (NLĐO)