Thời sự - Bình luận

NÓI THẲNG: Ngành điện xin lỗi, rồi sao nữa?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hai câu chuyện gây nóng dư luận trong 2 ngày qua là việc nhân viên ngành điện làm khách hàng tóa hỏa vì phải trả tiền điện tăng đến không ngờ...
 

Một hộ dân tại tỉnh Quảng Bình bị nhân viên điện lực "ghi nhầm" lượng điện gấp 33 lần, lên đến 58 triệu đồng bởi "trục trặc" sau khi ngành điện thay công tơ định kỳ cho khách hàng vào cuối tháng 5.

Một hộ khác ở tỉnh Quảng Ninh chỉ có 3 nhân khẩu nhưng tá hỏa khi nhận được hóa đơn tiền điện tháng 5 lên tới gần 90 triệu đồng.

Lý do được ngành điện giải thích là do mưa giông khiến công tơ điện tử bị nhiễu loạn, dẫn đến việc ghi nhầm! Công ty Điện lực Quảng Ninh sau đó đã xin lỗi khách hàng và lập tức đình chỉ công tác Trưởng phòng kinh doanh Điện lực Vân Đồn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tập đoàn đã tổ chức Đoàn công tác với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Hội Bảo vệ Người tiêu dùng để kiểm tra, xác minh việc hóa đơn tiền điện tăng trong thời gian qua.

Hai câu chuyện gây nóng dư luận trong 2 ngày nay thật ra không mới. Hầu như năm nào cũng có ít nhiều trường hợp bị ghi sai số điện một cách phi lý nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để, dù cho ngành điện đã áp dụng công tơ điện tử đo xa và chốt chỉ số bằng thiết bị cầm tay - tức là hạn chế khá nhiều sai sót so với ghi thủ công.

Vấn đề lớn hơn từ câu chuyện này không chỉ là việc sai thì sửa, sai thì xin lỗi, đình chỉ cán bộ… mà còn phải làm sao lấy lại được niềm tin từ người tiêu dùng, khi họ đã mất niềm tin từ bấy lâu bởi sự thiếu công khai minh bạch.

"Không tin được ông điện!" là câu cửa miệng của nhiều người. Vậy nên, dù có những việc ngành điện không sai, có những trường hợp hóa đơn tăng vọt do tiêu dùng thực tế của khách hàng tăng… nhưng sự ngờ vực từ phía người tiêu dùng với ngành điện vẫn chưa khi nào dứt.

Xin lỗi. Đình chỉ cán bộ. Vào cuộc kiểm tra, phúc tra. Rồi sao nữa?

Để chấn chỉnh việc này, ngành điện phải có quy chế, quy định rõ ràng về việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan khi gây ra sai sót khiến niềm tin về một ngành năng lượng xương sống bị giảm sút. Quy định cần thực hiện trong cả hệ thống, tăng mạnh mức xử phạt, cao nhất là đuổi việc, giáng chức. Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Về mặt kỹ thuật, do điện là hàng hóa đặc biệt nên cần có những giải pháp về công nghệ để người sử dụng điện tham gia giám sát lượng tiêu thụ, kịp thời phản ánh hiện tượng công tơ nhảy số bất thường để có cơ sở cho ngành điện xử lý sớm.

Công tơ điện là thiết bị cực kỳ quan trọng trong hoạt động mua bán điện. Tôi đề nghị không giao "nhà đèn" độc quyền quản lý, giám sát chất lượng công tơ điện. Một giải pháp có thể xem xét là đưa bên thứ 3 vào giám sát chất lượng công tơ điện trước khi lắp đặt, mạnh tay hơn là tư nhân hóa lĩnh vực thí nghiệm điện nhằm tránh doanh nghiệp tự kiểm định thiết bị đo đếm hàng hóa của chính mình.

Trên thị trường, yêu cầu với người bán hàng là cần có tâm. Trước một hóa đơn tiền điện tăng bất thường đến mức không thể tin nổi mà không một nhân viên, cán bộ ngành điện nào thấy… bất thường để đề xuất kiểm tra lại. Đó là lối làm việc vô cảm, tắc trách! Hơn nữa, doanh nghiệp điện là doanh nghiệp nhà nước, nhân viên ngành này không chỉ cần có tâm thế của người bán hàng mà còn phải có tâm thế của người phục vụ. Sửa đổi thái độ làm việc mới giúp hạn chế được những sự cố nếu trên.

Ngành điện cũng còn nhiều vấn đề nợ người tiêu dùng câu trả lời thỏa đáng. Chẳng hạn, việc hóa đơn tiền điện của rất nhiều hộ gia đình tăng gấp 2-3 lần dù đã qua giai đoạn cách ly, hầu hết các thành viên hộ gia đình đều đi làm, đi học trở lại, mức tiêu thụ không thể tăng? Việc chia bậc thang giá điện đã công bằng và hợp lý chưa? Giảm giá điện sinh hoạt 10% liệu đã được tính đúng, tính đủ?...

Đúng là trước áp lực đầu tư lớn để phát triển nguồn điện trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu, ngành điện không phải không gặp những khó khăn nhất định. Song, mong muốn có giá điện hợp lý để bảo đảm được mức sinh hoạt cơ bản mà không phải đóng tiền điện ở mức quá cao so với thu nhập là mong muốn chính đáng của người tiêu dùng. Tận dụng vốn tư nhân, xã hội hóa; tạo cạnh tranh để có giá tốt; công khai, minh bạch chi phí sản xuất; cải tiến công nghệ, tiết giảm chi phí lương thưởng bất hợp lý cho cán bộ trong ngành… là những cách mà EVN hoàn toàn có thể làm được.

Đó mới chính là "lời xin lỗi" để xây dựng niềm tin!

TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm