Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Nồng nàn rơm rạ quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Rơm rạ từ lâu đã là một trong những hình ảnh thân thương của mọi miền quê trên dải đất hình chữ S, gắn liền với người nông dân “một nắng hai sương”, “chân lấm tay bùn”.

Đôi khi, trong giấc mơ, tôi vẫn cảm nhận được mùi nồng nàn của rơm rạ quê nhà. Và, lòng lại da diết nhớ câu ca mẹ tôi thường hát ru anh em chúng tôi thuở ấu thơ: “Rồi mùa toóc rã rơm khô/Bậu về quê bậu biết (nơi) mô mà tìm”.

Rơm rạ từ lâu đã là một trong những hình ảnh thân thương của làng quê Việt Nam. Ảnh: B.Q.V

Rơm rạ từ lâu đã là một trong những hình ảnh thân thương của làng quê Việt Nam. Ảnh: B.Q.V

Tôi nghe trong lời ru ấy có nỗi buồn vời vợi. Với người miền quê chân chất, một chút tình nảy nở trong lao động chưa kịp bén duyên đã vội lìa xa để lại bao luyến lưu, tiếc nhớ. Ngày ấy, ở miền Trung, khi đến ngày mùa, vì phải tập trung thu hoạch lúa trong thời gian ngắn nên thường thiếu lao động. Những người vùng khác kết thành nhóm bạn đi làm thuê. Và, trong quá trình lao động, họ đã nảy sinh tình cảm, thầm thương trộm nhớ nhưng chưa kịp tìm hiểu nhau để rồi xa nhau. Cũng câu ca đó, ở vùng Nam Trung Bộ (Bình Định, Phú Yên) thì có dị bản: “Rồi mùa tóp rạ rơm khô/Nẫu về quê nẫu biết mô mà tìm”.

Ngày mùa, sau khi gặt xong, lúa được gánh về để tuốt, lúa ra lúa, rơm ra rơm. Thóc đem phơi đủ nắng rồi cho vào bồ, làm lương thực đủ dùng cho cả gia đình đến vụ thu hoạch mới. Rơm thì đem phơi khô, chất lên thành cây rơm để dành, chủ yếu làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa giá rét, mưa bão. Riêng phần rạ (người Bắc miền Trung gọi là toóc) thì đem phơi khô để đan thành tấm lợp cho mái nhà ở, chuồng trâu, bò (thay cỏ tranh).

Rơm rạ sau khi được phơi nắng thường có mùi hương nồng nồng, ngai ngái. Tôi vẫn gọi đó là hương đồng nội. Người nhà quê dù đi trăm núi ngàn sông cũng không thể nào quên được cái mùi hương ấy. Nó được chắt ra từ bùn đất, phù sa, từ mồ hôi công sức của người dân quê, trộn lẫn với mùi hương đất trời để hun đúc nên “hạt gạo làng ta”.

Đến mùa vụ, dù còn nhỏ nhưng tôi cũng trở thành trợ thủ đắc lực cho cha mẹ theo kiểu “trẻ nhỏ làm việc nhỏ”. Mẹ phân công tôi chuyên phơi rơm trong vườn nhà. Sau khi tuốt hết lúa, những đống rơm còn xanh được trải đều ra khắp khoảng trống của vườn để phơi khô. Hàng ngày, tôi đội nón, cầm chiếc mỏ gảy để lật rơm cho khô đều. Khi được 3-4 nắng thì rơm chuyển sang màu vàng ươm và nhẹ tênh. Bấy giờ, nhìn khắp vườn nhà phồng nổi lên những ụ rơm vàng như bức tranh, trông đẹp mắt.

Cứ chiều về, tôi và đám bạn chơi trò trốn tìm, một bên bịt mắt, bên kia chạy ùa trốn vào những đống rơm khô, nằm xuống phủ rơm lên. Chơi đến lúc thấy bụi rơm thấm đẫm xót mình thì rủ nhau ra sông tắm.

Lúc rảnh rỗi, cha tôi đem trồng mấy cây tre già chụm lại trên miếng đất trống cạnh chuồng bò để làm trụ cho cây rơm. Cha tôi khéo tay, đan lát và “thiết kế” cây rơm đều đẹp, được mọi người khen. Ông dùng chiếc mỏ gảy có 2 đầu nhọn xốc những ụ rơm to vắt lên, tôi ở trên đụn rơm cứ kéo đều ra rồi đạp xoay vòng quanh cho rơm nén chặt. Cứ thế, cây rơm cao dần lên bằng nóc nhà, phình ra ở giữa rồi bóp nhọn dần lên phía trên như cái chuông úp xuống.

Khi rơm dồn lên đến chóp đỉnh của ngọn tre, cha tôi đưa một cái trả đất úp phía trên để nước mưa không lọt xuống lõi cây rơm gây úng thối. Mùa nào, cha tôi cũng làm vài cây rơm để dự trữ thức ăn cho đàn bò khoảng 5-6 con. Những ngày tháng mưa bão, đàn bò không được chăn thả, tôi phải rút rơm mỏi cả tay cho bò ăn ngày mấy bận.

Người nông dân quê tôi chẳng ai phụ bạc rơm rạ. Bên cạnh việc dùng rơm làm thức ăn chính cho trâu, bò, họ còn sử dụng rơm rạ trong mọi việc của gia đình, từ lót ổ cho gà đẻ trứng đến việc nhóm bếp lửa sưởi ấm trong mùa đông rét mướt, rồi dùng rạ để lợp nhà che mưa che nắng… Dù trong cảnh nghèo khó nhưng rơm rạ luôn là hình ảnh ấm cúng, an lành, ấp iu cùng những người dân quê một nắng hai sương.

Có thể bạn quan tâm