Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Nữ biệt động được tặng Huy hiệu Bác Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-  Đó là bà Đào Thị Hà-Ủy viên Thường trực Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai, người phụ nữ bình dị đang sống cùng con cháu tại tổ 13 (phường Hoa Lư, TP. Pleiku).

Kể về những tháng năm bí mật đi hoạt động cách mạng và được tặng Huy hiệu Bác Hồ, bà Hà tự hào: “Tôi vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, nhưng tôi quý nhất vẫn là chiếc Huy hiệu Bác Hồ. Nó ghi nhận công lao đóng góp một thời tuổi trẻ hoạt động trong lòng địch, là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn đối với bản thân, gia đình và đơn vị biệt động đường 5, H5. Bởi vậy, tôi gìn giữ cẩn thận ở nơi trang trọng và bí mật. Tuy vậy, bọn mật vụ và cảnh sát ngụy vẫn lục lọi tìm ra chiếc huy hiệu này, rồi lùng sục khắp nơi, truy bắt tôi. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn đê hèn từ dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn, giam cầm gần 4 năm trời ròng rã, nhưng tôi vẫn một lòng kiên trung, không khai báo điều gì bất lợi cho cách mạng”.

Bà Đào Thị Hà. Ảnh: Hoàng Cư


Bà Hà sinh năm 1950 tại xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ba mẹ bà đều là đảng viên cộng sản từ năm 1949. Năm lên 4 tuổi, bà Hà phải theo mẹ vào sống trong nhà lao của Mỹ-ngụy. Năm 1967, khi mẹ mãn hạn tù, không thể chịu sự đàn áp của địch, gia đình bà đành phải xa quê hương lên Kon Tum sinh sống. Tại đây, gia đình bà Hà chủ động liên lạc với tổ chức và trở thành cơ sở nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng.

Nhờ tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, có khả năng ứng biến trong các tình huống nên bà được tổ chức biên chế vào đơn vị đường 5, H5 (mật danh lúc bấy giờ của Đội Biệt động thị xã Kon Tum). Lúc đầu, bà được giao nhiệm vụ đưa tài liệu, vận chuyển lương thực, thực phẩm, dụng cụ y tế, vũ khí... đến các cơ sở cách mạng vùng ven thị xã. Sau đó, bà được giao nhiệm vụ vượt qua các chốt kiểm soát, luồn sâu vào lòng thị xã rải truyền đơn tố cáo Mỹ-ngụy tàn sát dân lành, kêu gọi trừ gian, diệt ác, chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước.

Với mật danh Ba Dừa, Thanh Mai, Lại Giang, Đào Tiên, bà Hà có nhiệm vụ nắm bắt tình hình địch, đưa tài liệu, rải truyền đơn, hướng dẫn quân ta ra vào thị xã Kon Tum đánh Mỹ, diệt ngụy. Sau một thời gian hoạt động, bà bị bọn mật thám, cảnh sát ngụy theo dõi gắt gao. Có lần bị địch phát hiện, truy sát, bà đã kịp thời tung túi truyền đơn ra đường, chạy thật nhanh vào nơi đông người, rồi cởi bỏ áo ngoài, thoát thân.

Trong lúc bị truy đuổi ráo riết, bà gặp một đồng đội nữ quân báo giúp đỡ trốn thoát trong khu vực chợ thị xã Kon Tum (sau này bà mới biết đó là bà Lê Thị Tài-Phó ban Liên lạc tù chính trị yêu nước tỉnh Kon Tum). Kể từ đó, 2 người thường xuyên hỗ trợ nhau hoạt động trong lòng địch. Nhờ có sự giúp đỡ của người dân yêu nước, bà đã nhiều lần thoát khỏi vòng vây của bọn bảo an, góp phần giải thoát những cán bộ, chiến sĩ cách mạng nằm vùng. Đạt được nhiều thành tích xuất sắc, đầu năm 1968, bà vinh dự được kết nạp vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng, được tặng Huy hiệu Bác Hồ vì thành tích “mưu trí, dũng cảm trong công tác”.

Đầu năm 1970, khi đang làm nhiệm vụ trên đường Phan Đình Phùng (thị xã Kon Tum), bà bị bọn quân cảnh và cảnh sát ngụy vây bắt, đưa vào giam ở Ngục Kon Tum. Địch đã dùng mọi thủ đoạn để dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn, nhưng bà vẫn nhất quyết không khai báo bất cứ thông tin gì về tổ chức. Sau đó, chúng đưa bà tới giam tại Nhà lao Pleiku, rồi Nhà lao Nha Trang, Trại cải huấn Khánh Hòa. Đến tháng 8-1974, được trả tự do, bà về thị xã Kon Tum thì mới hay tin mẹ đã mất, ba đã hy sinh trong Nhà lao Biên Hòa.

Sau ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975), bà làm việc tại Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Kon Tum. Khi sáp nhập tỉnh Gia Lai và Kon Tum thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum, bà được điều động về thị xã Pleiku công tác. “Vợ chồng tôi sinh dưỡng được 3 người con, đều học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định và đã lập gia đình. Bây giờ, tôi đang ở với gia đình con gái đầu. Cuộc sống như vậy xem như ổn định”-bà Hà bộc bạch.

Bà Lê Thị Phương Thủy-Chủ tịch UBND phường Hoa Lư-cho biết: “Gia đình bà Đào Thị Hà luôn gương mẫu thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Sau khi nghỉ hưu, được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố 13, bà Hà đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần tích cực xây dựng tổ dân phố và phường Hoa Lư ngày càng vững mạnh”.

 HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm