Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Nữ Trưởng ban Công tác Mặt trận năng nổ, nhiệt tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được dân làng tin tưởng bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Húp (xã Kông Yang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) từ năm 2016 đến nay, bà Đinh Thị Byer luôn năng nổ, nhiệt tình, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Dẫn chúng tôi tham quan một số mô hình phát triển kinh tế của người dân, bà Byer cho biết: Làng Húp có 47 hộ, trên 190 khẩu, trong đó có hơn 90% người dân tộc thiểu số. Phần lớn đất sản xuất nằm ở đồi cao nên việc canh tác của bà con không mấy thuận lợi. Trong khi đó, người dân vẫn duy trì việc làm lúa rẫy, trồng mì, bắp nên đời sống còn nhiều khó khăn. “Trước đây, gia đình thuộc diện hộ nghèo nên tôi hiểu được những cực nhọc, bí bách trong đời sống. Vì thế, để dân làng tin và làm theo, tôi phải làm gương, nỗ lực tìm tòi áp dụng mô hình trồng trọt hiệu quả để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”-bà Byer bộc bạch.
Nói là làm, bà Byer đã vay hơn 30 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư chuyển đổi 5 ha đất trồng lúa, bắp sang trồng 3 ha rừng, gần 2 ha chuối. Ngoài ra, bà còn thuê gần 2 ha đất trồng mì, chăn nuôi bò, dê, đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Bà Đinh Thị Byer (bìa trái)-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Húp (xã Kông Yang, huyện Kông Chro) chia sẻ kinh nghiệm trồng chuối cho người dân. Ảnh: Ngọc Minh
Chứng kiến sự đổi thay rõ rệt của gia đình bà Byer, nhiều hộ dân đã học hỏi và làm theo. Bà Byer không ngần ngại hỗ trợ giống, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ dân làng nhân rộng mô hình trồng rừng, trồng chuối.
Vừa chăm sóc rẫy chuối, chị Đinh Thị Canh vừa vui vẻ trò chuyện: Vợ chồng chị có hơn 3 ha đất trồng lúa, bắp. Do thiếu tiền mua phân bón đầu tư nên năng suất cây trồng thấp, cuộc sống quanh năm khó khăn. Thấy vậy, bà Byer đã hướng dẫn cách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cho giống, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc cây chuối và giới thiệu nơi tiêu thụ với giá cao. “Hiện gia đình tôi đã trồng được 1,5 ha chuối, 5 sào bạch đàn, 1 ha mía. Ngoài ra, vợ chồng tôi đi làm thuê, làm mướn chăn nuôi bò, cố gắng làm lụng, vươn lên thoát nghèo”-chị Canh phấn khởi nói.
Bà Đinh Thị Byer (thứ 3 từ trái sang)-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Húp (xã Kông Yang, huyện Kông Chro) tuyên truyền người dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Đinh Joang-Bí thư Đảng ủy xã Kông Yang: Thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trên địa bàn xã đã có nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu; trong đó có đồng chí Byer. Những việc làm thiết thực, hiệu quả của đồng chí đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao đời sống người dân; tạo động lực giúp bà con nêu cao tinh thần đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chung tay xây dựng làng nông thôn mới.
Bên cạnh giúp người dân phát triển kinh tế, trên cương vị Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Húp, bà Byer luôn gương mẫu đi đầu trong nhiều hoạt động, phong trào do ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương phát động; tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghiêm hương ước, quy ước của làng, bài trừ hủ tục... “Đến nay, các hộ dân đã hoàn thành việc trồng hàng rào xanh, duy trì việc vệ sinh đường làng ngõ xóm xanh-sạch-đẹp; hơn 90% hộ có hố rác trong vườn; 100% hộ di dời chuồng trại ra phía sau nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường. Hàng năm có khoảng 80% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; làng không có trường hợp tảo hôn, bà con thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”-bà Byer cho hay.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Văn Đinh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Húp-khẳng định: Ở bất cứ công việc nào, bà Byer cũng luôn gương mẫu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bà cũng thường xuyên có những ý kiến, đề xuất thiết thực, cách làm hay giúp người dân phát triển kinh tế. Nhờ sự chủ động nêu gương và tích cực tuyên truyền, vận động của bà, vài năm gần đây, các hộ dân đã biết ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, người dân đã trồng được hơn 20 ha chuối, gần 40 ha rừng, hơn 100 ha mía, mì, rau màu. Cuối năm 2021, làng Húp chỉ còn 5 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo.
NGỌC MINH
 

Có thể bạn quan tâm