62 tuổi, Olivier Oet từ nước Pháp xa xôi đem đến Việt Nam kỹ thuật làm gốm Raku của người Nhật, giúp những số phận không may mắn ở thành phố Huế. Những đứa trẻ khuyết tật tại Trung tâm Hy Vọng mỗi đứa một số phận, mỗi đứa một hoàn cảnh, nhưng chúng chung một đích hướng đến, đó là xây giấc mơ từ những thớ đất.
Gốm Raku và Hy Vọng
Trung tâm Hy Vọng nằm trong nội thành Huế, bên con đường Nhật Lệ, ở đó là nơi dạy nghề, tạo việc làm cho những đứa trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi đứa trẻ trong ngôi nhà Hy Vọng mang một số phận khác nhau, chúng đến Hy Vọng từ khắp các vùng trong tỉnh.
7 giờ 30, chúng tôi có mặt ở Trung tâm Hy Vọng. Tưởng vậy là sớm, nhưng những đứa trẻ ở đây vào việc sớm hơn. Nguyên vật liệu đã được nhào nặn nhuyễn, chúng bắt đầu tạo hình. Mỗi đứa một ý nghĩ, nặn gì tùy thích, miễn ra hình ra dáng.
Quanh chiếc bàn gỗ phủ đầy bụi đất, chúng ngồi quanh, tỉ mẩn nặn đất, tạo hình. Đôi lúc những đôi mắt chúng nhìn nhau, rồi bất chợt cười. Ở đây không đứa nào biết nói, chúng giao tiếp với nhau bằng mắt, và cử chỉ. Duy nhất chỉ có Long là biết nói, nhưng cũng từ được từ mất.
Võ Thành Long (23 tuổi) đến với trung tâm cũng đã khá lâu. Long là một trong những thanh niên được học làm nghề gốm Raku do Olivier dạy từ bé. Cả nhóm chỉ có Long nói được, nhưng cũng thuộc dạng chữ được chữ mất, không tròn trịa. Em sống ở phường Kim Long, thành phố Huế. Sáng Long đạp xe về trung tâm làm gốm, chiều em lại đạp xe về. “Em thấy vui khi được về trung tâm này và được học làm gốm” - Long nói.
Từ khi có nghề làm gốm, bọn trẻ ở đây đã đỡ buồn tủi hơn. Chúng nhào nặn những thớ đất, nặn sản phẩm, đem nung, trang trí và đưa ra cửa hàng ngay trước trung tâm để bán. Trong không gian nhỏ trước trung tâm nơi để tấm bản “gốm Hy Vọng”, hằng ngày 35 đứa trẻ tụ lại để làm gốm. Ở đây, việc những món gốm Raku đều là những sản phẩm của trí tưởng tượng của chúng, là một con cá, các ly, chén, các con thú...
“Đây là cái ly, đây là con cá, anh thấy đẹp không?” - Long cầm sản phẩm lên, mân mê một hồi rồi hỏi tôi. “Nếu không có gốm Raku thì em sẽ làm gì”, tôi hỏi. “Em cũng không biết nữa” - Long gãi đầu, cười trừ.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Giám đốc Trung tâm Hy Vọng - cho hay, từ khi có xưởng gốm, trung tâm cũng đỡ hơn, các em có công ăn việc làm. Sản phẩm các em làm ra đã có người tìm mua, dù chưa nhiều, nhưng đó là tín hiệu tốt.
“Nếu không có gốm Raku thì không biết bọn trẻ sẽ làm gì, chúng cũng ăn không ngồi rồi vì nghề may mặc ở trung tâm giờ quá tải. Làm gốm các em được vận động, được thỏa thích sáng tạo cũng là cách để các em vơi bớt buồn phiền.
Rồi mai này những mặt hàng các em làm ra nếu bán được thì cũng góp phần giúp các em và trung tâm. Không chỉ giúp thay đổi cuộc sống của những đứa trẻ bất hạnh, Oliver Oet còn là người truyền lửa cho chúng tôi bằng tấm gương kiên trì theo đuổi mục tiêu đặt ra dù gặp khó khăn đến mấy” - bà Hồng nói.
Olivier Oet dạy trẻ em khuyết tật ở Trung tâm Hy Vọng Huế làm gốm. Ảnh: N.Đ.T |
Trẻ khuyết tật, Olivier Oet và cuộc hội tụ đầy hy vọng
7 năm trước, một phụ nữ Pháp, gốc Việt gặp ông và đưa ra lời đề nghị giúp đỡ trẻ em khuyết tật Việt Nam. Sau khi nghe lời đề nghị của người phụ nữ đó, Olivier đã cùng gia đình tìm cách để giúp đỡ trẻ em khuyết tật ở Việt Nam.
Ông cùng gia đình đã hỗ trợ cho các cán bộ đến từ trung tâm nuôi trẻ khuyết tật, trong đó có Trung tâm Hy Vọng - Huế. Làm gốm Raku là ý tưởng mà Olivier đưa ra để hỗ trợ và dạy cho những cán bộ nuôi dạy trẻ khuyết tật ở Việt Nam.
“Với người khuyết tật, nghệ thuật sẽ giúp các em sáng tạo theo suy nghĩ riêng và gốm Raku giúp các em làm được điều đó. Ở Pháp gốm Raku rất thịnh hành dù nó có nguồn gốc ở Nhật. Gốm Raku là kỹ thuật men rạn phát triển tại Nhật Bản từ thế kỷ 16.
Để làm một sản phẩm gốm Raku là cả một quá trình khám phá và các cảm nhận về đất và men. Gốm Raku đặc biệt ở chỗ là không sản phẩm nào giống sản phẩm nào” - Olivier lý giải về việc ông chọn gốm Raku để dạy cho các em khuyết tật.
Năm 2012, ông Olivier Oet cùng vợ đến Trung tâm Hy Vọng, quyết định thực hiện dự án để giúp đỡ các em nhỏ ở đây. Và rồi, mỗi năm ông Oliver dành ít nhất 3 tuần để sang trung tâm dạy các em làm gốm. “Các anh đến chậm ngày là không được gặp tôi rồi, mai tôi phải bay về Pháp” - Olivier nói.
Trước đây Olivier cũng từng làm trong một trung tâm của khuyết tật khá lớn ở Paris nên ông cảm nhận được những ước mơ của các em khi đến Việt Nam. Dù đã nghỉ hưu nhưng Olivier hiện đang là Chủ tịch tổ chức Ateliers Vincent Marie Oet (viết tắt A.V.M.O) tổ chức này mới hình thành được 4 năm.
Tổ chức này cũng góp phần vào việc giúp đỡ cho Trung tâm Hy Vọng làm gốm, xây dựng xưởng và cung cấp nguyên vật liệu. Năm 2017, tổ chức hỗ trợ thêm mô hình nghề ở A Lưới về việc nuôi dê sinh sản, năm 2018 triển khai tiếp nuôi gà. “Các mô hình này làm thí điểm để cho các hộ nông dân học tập và triển khai trong tương lai” - Olivier chia sẻ.
Trong 3 năm đầu tiên trên con đường giúp đỡ trẻ khuyết tật tại Việt Nam, Olivier phải tự bỏ tiền túi của mình để đầu tư, hình thành xưởng gốm Raku tại Trung tâm Hy Vọng. Để xưởng gốm có thể duy trì và phát triển, thắp lên hy vọng cho những người khuyết tật đúng nghĩa như tên gọi của mình cũng là điều mà ông trăn trở.
Tổ chức A.V.M.O do ông làm Chủ tịch đến nay có hơn 60 thành viên. Những người trong tổ chức này thường xuyên có những hoạt động ý nghĩa, nhất là việc hỗ trợ cho những người khuyết tật tại Trung tâm Hy Vọng Huế. Xưởng gốm Raku tại trung tâm được đầu tư đầy đủ máy móc hiện đại như hiện nay có một phần đóng góp của A.V.M.O.
Qua mấy năm học nghề, hiện tại những đứa trẻ ở Hy Vọng đã tự biết lấy đất, nhào nặn cho nhuyễn để làm gốm Raku với hình ly, tách, tô, chén, rổ, các con thú… “Các em đã chủ động mời chào bằng những ký hiệu và chỉ cho khách làm theo chứ không rụt rè như trước đây” - bà Hồng hào hứng chia sẻ.
Khi những tính toán, những dự định của ông đã dần được hiện thực, Olivier đang nhắm đến “giấc mơ Raku tour” ngay tại Trung tâm Hy Vọng Huế. “Khách du lịch khi đến trung tâm sẽ được cùng trải nghiệm, cùng làm gốm Raku với những người khuyết tật.
Du lịch hướng về cộng đồng đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn. “Raku tour” cũng là một loại hình du lịch như vậy và đó cũng là định hướng mà chúng tôi đang muốn xây dựng nó. Đã có nhiều người đến đây thử trải nghiệm làm gốm Raku và ai cũng hài lòng, họ luôn đánh giá cao về mô hình này.
Du khách ra về được mang chính sản phẩm do mình làm ra, người khuyết tật thì sẽ được hòa nhập, được hưởng lợi từ chi phí tour” - Olivier hào hứng.
Tổ chức A.V.M.O cũng đã triển khai nhiều hoạt động thu hút sự quan tâm của dư luận và tăng cường gây quỹ. Mỗi năm, vào dịp lễ Giáng sinh, trên chiếc du thuyền của gia đình Olivier Oet ở sông Seine, A.V.M.O thường tổ chức Ngày đoàn kết Pháp - Việt. Ở đó, những câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam, những sản phẩm do chính tay các em nhỏ khuyết tật của Trung tâm Hy Vọng Huế được Olivier giới thiệu và chia sẻ.
11 giờ hơn, hết giờ làm việc. Cơm đã được chuẩn bị sẵn, những đứa trẻ dọn đồ sang một bên. Đứa cầm chổi dọn đất vương vãi dưới nền, đứa lau bàn. Cơm canh dọn ra, chúng ú ớ gọi nhau vào ăn. Long không quên mời khách vào dùng chung.
“Ăn xong vào nghỉ ngơi, chiều làm việc tiếp nhé” - bà Hồng dặn những đứa trẻ. Rồi bà nói tiếp: “Trong thời gian tới trung tâm và ông Olivier rất mong có nhiều hơn nữa các công ty lữ hành, các đoàn tour quan tâm khảo sát Raku tour để đưa mô hình này vào trong những điểm đến phục vụ cho du khách.
Không chỉ là một mô hình du lịch thú vị, hơn hết Raku tour còn là hoạt động ý nghĩa góp phần nào giúp những người khuyết tật hòa nhập cộng đồng”.
Nguyễn Đắc Thành (LĐO)