Với 13 truyện ngắn, “Bước đi hoa” gợi cho người đọc nhớ đến một Tây Nguyên của những ngày đầu kinh tế mới với bao vất vả, khó nhọc. Những câu chuyện là sợi dây liên kết, dẫn người đọc băng qua một “Mùa cà phê ngát hương” của nhân vật Ba Tâm và Duyên rồi lại đầy ngậm ngùi xót xa cho thân phận người con gái xinh đẹp nhưng dở dang của Xinh, Hoa, Ngà... Dường như tác giả không quá dụng công để đào sâu vào nội tâm nhân vật, nhưng những hình ảnh, những tình tiết tạo nút thắt cứ nối tiếp nhau khiến người đọc bị cuốn sâu vào từng câu chuyện. Đây là lối dẫn dắt hết sức thông minh, bởi tác giả đã đặt mình ra khỏi câu chuyện để cho các sự kiện đưa đẩy nhân vật tự đi đến cái kết của riêng mình.
Bìa tập truyện ngắn “Bước đi hoa” của tác giả Phạm Đức Long. Ảnh: Trọng Ân |
Tưởng chừng như thế mạnh của tác giả là những câu chuyện về thân phận éo le của những con người di cư đến vùng kinh tế mới, thì mạch truyện lại rẽ đột ngột với “Trở về hoang phế” và “Pơ thi”. Đây là hai câu chuyện kể về cuộc sống ở buôn làng Tây Nguyên với những bản sắc văn hóa riêng có, đặc sắc. Chỉ với 2 truyện ngắn này, tác giả Phạm Đức Long đã thể hiện được tâm hồn, tình cảm và những hiểu biết về phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số hết sức tinh tế.
Nhà thơ Phạm Đức Long tâm sự: “Bước đi hoa là tập hợp những truyện ngắn được tôi sáng tác trong khoảng thời gian gần đây nhất. Những con người trong từng câu chuyện là những người tôi từng gặp, từng tiếp xúc, từng nghe qua để rồi chắt lọc lại, tạo thành hình hài của một câu chuyện cụ thể”. Quả thật, tập truyện không quá dài, nhưng đầy trăn trở về những phận người cùng hàm ý sâu xa được gửi gắm trong từng câu chữ. “Bước đi hoa” không chỉ đánh dấu sự quay trở lại với sáng tác của nhà thơ mà còn khẳng định được sức viết của một con người có nhiều trải nghiệm, nhiều cảm xúc.