(GLO)- Những năm gần đây, mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh áp dụng và mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững, các địa phương trong tỉnh cần có định hướng rõ ràng và giải pháp cụ thể.
Giúp nông dân tăng thu nhập
Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn các huyện: Chư Prông, Đak Đoa, Ia Grai, Chư Sê, Chư Pưh, Đức Cơ, Kbang, Mang Yang và TP. Pleiku đã trồng xen các loại cây ăn quả như: bơ, sầu riêng, mít... trong vườn cà phê. Các loại giống được sử dụng chủ yếu là sầu riêng Dona, Monthong, RI6; bơ booth, bơ sáp, bơ hass; mít Thái, mít nghệ, giúp nông dân có thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra một cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả trên địa bàn huyện Ia Grai. Ảnh: G.H |
Ia Grai là một trong những địa phương của tỉnh có diện tích trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê tương đối lớn, khoảng 550 ha. Trong đó, diện tích trồng xen sầu riêng là 94,5 ha, bơ 80,5 ha... Ông Hà Văn Thuận (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) cho biết: “Gia đình tôi có 1 ha cà phê trồng năm 2006. Khi cây cà phê bắt đầu cho thu hoạch, thay vì trồng cây muồng đen lấy bóng mát, gia đình thử nghiệm trồng xen 80 cây sầu riêng giống Monthong. Tôi thấy 2 loại cây này trồng xen với nhau rất phù hợp và đều phát triển rất tốt. Vụ sầu riêng năm 2017, gia đình tôi thu được gần 7 tấn quả, bán được hơn 200 triệu đồng”. Tương tự, ông Lê Bách Chiến (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho hay: “Gia đình tôi trồng xen 78 cây bơ sáp trong 1 ha cà phê từ năm 2009. Cây bơ không phải chăm sóc nhiều. Hàng năm, nguồn thu diện tích cà phê trồng xen bơ này cũng được hơn 300 triệu đồng”.
Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, cho biết: Chủ trương của huyện là khuyến khích người dân trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê để giảm thiểu rủi ro khi giá cả một số mặt hàng nông sản bấp bênh. Việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê giúp tăng độ che phủ, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm chưa ổn định do trên địa bàn huyện chưa có nhà máy chế biến hoa quả, người dân cũng chưa ký kết hợp đồng tiêu thụ với các cơ sở thu mua. Hiện người dân tự mang sản phẩm ra chợ tiêu thụ hoặc bán cho các tư thương thu mua trực tiếp.
Tại huyện Chư Prông, mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê phát triển khá mạnh trong 5 năm trở lại đây với diện tích khoảng 818 ha. Ông Từ Ngọc Thông-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, cho biết: Bước đầu cho thấy, mô hình này rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao, thậm chí thu nhập từ cây trồng xen còn cao hơn so với cây cà phê. Điển hình như hộ ông Cao Văn Nguyên (làng Grang 1, xã Ia Phìn) trồng xen cây bơ và cây hồ tiêu trong 2 ha cà phê cho thu nhập 900-950 triệu đồng/năm; hộ ông Nguyễn Hô (làng Grang 2, xã Ia Phìn) trồng xen 100 cây sầu riêng trong 1 ha cà phê cũng cho thu nhập 220-250 triệu đồng...”.
Cần định hướng phát triển bền vững
Gia Lai là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ 4 trong cả nước với 94.025 ha. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện nay, người dân đã trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm như hồ tiêu, điều, sầu riêng, bơ, mít, xoài, chôm chôm trong vườn cà phê được khoảng 4.210 ha (chiếm 4,5% diện tích cà phê toàn tỉnh).
Mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với trồng thuần cà phê mà còn có tác dụng làm cây che bóng, chắn gió cho vườn cà phê, hạn chế bốc hơi hước, giữ ẩm cho cây. Điều này góp phần vào việc phát triển sản xuất cà phê bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê ở nhiều địa phương còn mang tính tự phát, chưa theo kế hoạch, quy hoạch của địa phương nên rất dễ dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu...
Ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: “Để mô hình thực sự phát triển bền vững, Sở đề nghị các địa phương tập trung đánh giá đúng hiện trạng trồng xen trong các vùng cà phê và có đề án trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất của địa phương. Cần xác định vùng trồng xen tập trung có hiệu quả, hình thành vùng trồng xen trọng điểm trên cơ sở cà phê là cây trồng chính, đảm bảo yêu cầu áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh thêm: Trong những năm tới, các địa phương cần tăng cường công tác khuyến nông và bố trí kinh phí để xây dựng các mô hình trồng xen trong vườn cà phê, áp dụng trong tái canh cà phê. Trong đó, chú trọng đến mật độ trồng, nguồn giống, biện pháp kỹ thuật tưới nước, bón phân hợp lý cho cây trồng chính và cây trồng xen; tổ chức tập huấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác trồng xen. Việc định hướng phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm trên địa bàn phải gắn với thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân liên kết sản xuất và gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp để từng bước hình thành và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm cây trồng xen trong vườn cà phê...
Gia Hưng