Khu phố 8 thuộc phường 4, quận Tân Bình, gần sân bay Tân Sơn Nhất có đến hàng chục hàng quán ẩm thực, siêu thị, tạp hóa lẫn massage của người Hàn... Đó là lý do nơi đây được gọi là "khu phố Hàn Quốc".
Phố Hàn Quốc bắt đầu từ một siêu thị mini bán toàn đồ Hàn ngay ngã ba Trường Sơn - Hậu Giang.
Diện tích chỉ gần 100 m2 nhưng ở đây bán hầu hết các loại mặt hàng xuất xứ Hàn Quốc, từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng hộp và đóng gói cho đến các loại mỹ phẩm, gia vị, kể cả những dụng cụ như dao, kéo hay đồ làm bếp...
Siêu thị này mở đầu cho hàng chục nhà hàng ẩm thực tiếng Hàn xen lẫn tiếng Việt san sát nối tiếp trên tuyến phố Hậu Giang.
“Phố Hàn Quốc” ở phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM. |
Cái gì cũng... Hàn
Hầu hết các nhà hàng ở đây bán món ăn Hàn Quốc, từ các món mì, cháo cho đến món rán, xào, hấp, luộc hay trộn, nhất là các món lẩu... Đặc biệt nhiều ở đây vẫn là các quán nướng chua cay kiểu Hàn, hấp dẫn thực khách ngay từ bảng hiệu.
Xen lẫn trong dãy nhà hàng là các quán tạp hóa, hàng gia vị và siêu thị mini bán đồ Hàn Quốc.
Cùng với đó là rất nhiều khách sạn, cửa hàng dịch vụ khác từ bán vé máy bay, cắt tóc, xoa bóp hay quán giải khát..., phần lớn biển hiệu đều lấy tiếng Hàn là chính, chủ yếu phục vụ người dân Hàn đang sống ở Sài Gòn.
Trong hàng loạt quán xá, chúng tôi chú ý đến tiệm "Bánh gạo Hàn Quốc" số 49 đường Hậu Giang. Có rất nhiều loại bánh được trưng bày và bán lẻ, loại nào cũng nhiều màu sắc, nhiều tầng bậc và hình dáng, rất bắt mắt.
Nhân viên bán hàng Huỳnh Văn Quang giới thiệu một số thông tin liên quan đến hơn 40 loại bánh làm theo lối truyền thống của người Hàn Quốc.
Nào là bánh baramtuk bằng bột gạo nhân đậu đen; bánh angkomari làm bằng nếp, đậu; bánh modum bằng bột nếp nhân hạt sen, táo, đậu đỏ và đậu phộng; bánh muchiketuk làm bằng bột gạo cùng nhiều bột rau củ quả khác...
Theo lời anh Quang, vợ chồng ông chủ Oh Eun Hwan là người Hàn ở vùng thủ đô Seoul, sang TP.HCM từ năm 1993, chọn nghề làm bánh để mưu sinh thông qua bán lẻ và cung cấp cho các nhà hàng Hàn Quốc tại TP.HCM và cả vùng Đông Nam Bộ...
Lai lịch
Bà Đinh Thị Thắng, tổ trưởng tổ 8, phường 4, quận Tân Bình, đồng thời là chủ một khách sạn trên đường Hậu Giang, cho biết việc kinh doanh của gia đình bà cũng như rất nhiều người dân trong khu phố khá dần lên kể từ ngày người Hàn Quốc chọn nơi đây làm nơi tụ hội.
Vốn là người gốc Bắc làm việc trong một đơn vị quân đội gần sân bay và sinh sống ở đây hàng chục năm trước, nên bà Thắng kể rất rành rọt về lai lịch khu phố Hàn Quốc này.
Khoảng đầu thập niên 1990, nhiều cán bộ công chức quân đội được bố trí ở trong khu vực này, hình thành nên các khu dân cư dọc các trục đường Hậu Giang, Thăng Long, Nguyễn Văn Vĩnh hay Nguyễn Trọng Lợi...
Món bánh gạo truyền thống vùng Seoul bán ở “phố Hàn Quốc”. |
Khi ấy, khu vực gần chợ Phạm Văn Hai đã trở nên sầm uất với sự tập trung rất nhiều nhà hàng, cửa hiệu Hàn Quốc. Khoảng năm 2000, khu phố Hàn Quốc này dần tan rã mà không hiểu lý do.
Có người cho rằng do đường sá chật hẹp, có người thì đoán nguồn nước lẫn... phong thủy ở đó không hợp với người Hàn. Một số chuyển sang Q.1, Q.2 và Phú Mỹ Hưng tại Q.7; trong khi phần lớn dần chuyển nơi ở và quán xá sang P.4, Tân Bình như hiện nay.
Ban đầu mới sang, người Hàn chủ yếu thuê phòng trọ, thậm chí khách sạn để trú ngụ; một số phối hợp với người Việt tìm mặt bằng kinh doanh. Những quán ăn ban đầu được mở khá nhỏ và quanh quẩn các món như thịt chó, heo hấp hay một số món nướng...
Dần dà, người Hàn làm việc trong các quận của TP.HCM, kể cả du khách Hàn Quốc đến ăn đông dần. Các nhà hàng dần mở mới, nhỏ thì phát triển thành lớn hơn, kéo theo nhiều dịch vụ khác từ cửa hàng tạp hóa, nguyên liệu hay gia vị ẩm thực...
Nhiều người Hàn lấy vợ Việt Nam và mua nhà cho vợ đứng tên để kinh doanh.
Vợ chồng ông bà Kim Jong Sun - chủ nhà hàng Nhân Sâm tại phố Hàn Quốc, Tân Bình, TP.HCM. |
Chọn TP.HCM làm nơi sinh sống
Nhân Sâm là một nhà hàng lớn nằm giữa con hẻm trên đường Hậu Giang, được bà Thắng giới thiệu với chúng tôi rằng "cả gia đình chủ Hàn vô cùng thích Việt Nam".
Khi tôi ghé đến, vợ chồng bà chủ Kim Jong Sun đang cùng bày biện mấy dãy bàn ăn dài, mỗi bàn cả chục món, chuẩn bị đón một đoàn rất đông du khách Hàn Quốc.
Họ rất vui vẻ, cởi mở giới thiệu từng món đặc sản của nhà hàng, từ cách chế biến, bày biện cho đến cách thưởng thức...
Bà Kim cùng gia đình tìm đến TP.HCM vào ngày 20-12-1993. Đó là giai đoạn quan hệ hợp tác ngoại giao hữu hảo giữa hai chính phủ Việt - Hàn. Quê bà vốn có khí hậu rất khắc nghiệt, mỗi lần đến mùa lạnh là bệnh tình người chồng tái phát, trở thành nỗi khổ của cả gia đình.
Trong một lần được bạn bè giới thiệu, vợ chồng bà đăng ký sang Việt Nam du lịch. Đến ở TP.HCM trong mấy ngày, sức khỏe người chồng đang bệnh chợt khỏe hẳn. Vợ chồng bà liền chọn nơi này là nơi sinh sống lâu dài.
Họ dồn vốn đầu tư một khách sạn nhỏ tại Sài Gòn, kèm theo việc mở nhà hàng Nhân Sâm đầu tiên ở Q.1. Ít năm sau, khi "phố Hàn" gần sân bay phát triển, họ đến đây tìm chỗ mở nhà hàng chính và kinh doanh đến nay.
"Gia đình tôi mỗi năm chỉ về Hàn Quốc một lần, chủ yếu để thăm người thân và kiểm tra sức khỏe, thời gian còn lại đều ở Việt Nam!" - bà Kim nói bằng tiếng Việt lơ lớ.
Người con trai của bà Kim lấy vợ Việt Nam và đã sinh cho ông bà một cậu cháu lên 1 tuổi.
"TP.HCM dễ làm ăn và thuận tiện trăm bề, nhất là giao thương, khí hậu lý tưởng, cho nên gia đình chúng tôi mới quyết định chọn đây là nơi sinh sống lâu dài" - bà Kim nói.
Trai Hàn thích gái Việt Một đặc điểm được người dân ở đây đúc kết là trai Hàn Quốc rất thích lấy vợ người Việt Nam nên người này giới thiệu, mai mối người kia. Theo bà Thắng - tổ trưởng dân phố, có không dưới 20 cặp vợ chồng Việt - Hàn như thế trong khu phố. "Trước đây khu phố này rất vắng vẻ, đìu hiu. Từ ngày người Hàn Quốc tập trung kinh doanh, khu phố mới đông dần, nhà cửa, hàng quán mới quy củ, đàng hoàng như hiện nay!" - bà Thắng nói. |
Thái Lộc/tuoitre