Phú Thiện quyết liệt dập dịch sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp phòng-chống nên dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn huyện Phú Thiện (Gia Lai) đã được khống chế. Từ đầu tháng 9-2016  đến nay, toàn huyện ghi nhận thêm 23 ca mắc SXH, giảm hơn 5 lần so với tháng 8 (121 ca).

 Bệnh viện huyện Phú Thiện tích cực điều trị cho bệnh nhân SXH. Ảnh: Đ.P
Bệnh viện huyện Phú Thiện tích cực điều trị cho bệnh nhân SXH. Ảnh: Đ.P

Theo Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện, tính đến hết tháng 9-2016, toàn huyện ghi nhận 207 trường hợp mắc SXH, chưa có trường hợp tử vong, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2015. Bệnh xảy ra nhiều nhất ở thị trấn Phú Thiện với 138 trường hợp mắc tại 12/21 tổ dân phố. Tiếp đến là các xã có số bệnh nhân nhiều như: Ia Ake 25 ca, Ia Sol 15 ca, Ayun Hạ 11 ca.

Trước tình hình bệnh SXH gia tăng, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo Ban Y tế Dự phòng tiến hành điều tra, giám sát dịch tễ. Qua đó xác định nguyên nhân khiến bệnh SXH tăng trong thời gian qua là do thời tiết diễn biến thất thường, sau mưa thường có nắng nóng tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản. Cùng với đó, người dân, nhất là các làng đồng bào dân tộc Jrai ở thị trấn Phú Thiện còn chủ quan không thường xuyên mắc màn khi ngủ để muỗi đốt lây truyền bệnh. Môi trường sống, nhất là khu vực xung quanh chợ thị trấn Phú Thiện và các bãi đất trống ở một số cụm dân cư còn nhiều rác thải chưa được xử lý kịp thời; nhiều đoạn đường không được thi công cống thoát nước gây ứ đọng nước mưa, nước thải sinh hoạt… tạo môi trường cho muỗi sinh sản truyền bệnh cho người.

Bác sĩ Phạm Chí Quang-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho hay, sau khi xác định nguyên nhân khiến bệnh SXH bùng phát, đơn vị đã tham mưu UBND huyện tổ chức lễ phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng, phòng-chống bệnh do vi rút Zika và SXH”. Chính quyền xã, thị trấn ký cam kết với từng hộ dân diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng bệnh; đồng thời, thành lập các đội cơ động phòng-chống SXH đến từng nhà hướng dẫn người dân diệt muỗi; lật úp chai lọ, lốp xe, thả cá vào bể chứa nước để diệt lăng quăng; dọn vệ sinh môi trường, khơi thông mương dẫn nước dọc quốc lộ 25 và các tuyến đường liên thôn. Các trường học đứng chân trên địa bàn huyện triển khai dọn vệ sinh môi trường phòng-chống dịch bệnh…

Cùng thời điểm đó, Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện tổ chức 4 đợt phun hóa chất diệt muỗi tại 30 thôn, làng tập trung đông bệnh nhân là thị trấn Phú Thiện và 5 xã gồm: Ia Ake, Ia Sol, Ia Piar, Ayun Hạ, Chư A Thai. “Việc phun thuốc diệt muỗi sẽ được tiếp tục khi phát hiện ổ dịch bệnh SXH mới”-bác sĩ Phạm Chí Quang nói.

Song song với phòng bệnh, công tác khám, điều trị bệnh SXH được chú trọng. Tháng 8 khi bệnh SXH tăng lên 121 ca, Trung tâm Y tế huyện đã huy động 20 giường bệnh từ các trạm y tế xã về tăng cường cho Khoa Nội-Nhi, nâng tổng số giường bệnh tại bệnh viện lên 80 giường. Trung tâm cũng tổ chức tập huấn cho các y-bác sĩ và bộ phận xét nghiệm về phác đồ điều trị SXH của Bộ Y tế và chuẩn bị đủ cơ số thuốc, dịch truyền và trang-thiết bị tiêu hao, sẵn sàng phục vụ bệnh nhân; đồng thời tăng cường bác sĩ, điều dưỡng cho Khoa Nội-Nhi đảm bảo công tác điều trị. Nhờ đó, đến nay tất cả các ca bệnh SHX đều được chữa khỏi; không để xảy ra tai biến, tử vong.

Mặc dù dịch bệnh đã tạm lắng xuống nhưng công tác phòng bệnh tiếp tục được đẩy mạnh. Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện đã gửi 4 mẫu huyết thanh đi xét nghiệm, cho kết quả 2 mẫu âm tính, 2 mẫu dương tính với vi rút SXH dengue tuýp 2. “Đây là tuýp vi rút có độc cực mạnh. Những người đã bị mắc SXH tuýp 1 nếu mắc tiếp tuýp 2 thì có thể bệnh nặng hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn. Vì thế, trong thời gian tới, công tác phòng-chống SXH vẫn tiếp tục được đẩy mạnh trên quy mô toàn huyện”-bác sĩ Phạm Chí Quang cho biết thêm.

 Trần Đức

Có thể bạn quan tâm