(GLO)- Nằm trong khuôn khổ của Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, sáng ngày 1-12, tại nhà rông Công viên Diên Hồng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, cộng đồng dân tộc Ê Đê đến từ tỉnh Đắk Lắk đã tái hiện Lễ cúng cây nêu cầu an. Đây là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và người Ê Đê tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Cây nêu đối với dân tộc Ê Đê nói riêng, các cộng đồng dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào. Theo quan niệm của họ, cây nêu là cầu nối giữa đất với trời, cầu nối tâm linh đưa những gửi gắm, ước vọng của con người tới Yàng, thần linh và những người đã khuất, cầu mong sự bình yên, no đủ.
Vị trí đặt Cây Nêu được xem là tâm thiêng cho các nghi lễ như cúng sức khỏe, cúng nhà mới, cúng ăn cơm mới, tang ma,… thường dựng ở gian khách hoặc ngoài trời. Mỗi cây nêu được trang trí những họa tiết khác nhau và mang ý nghĩa theo từng nghi lễ, như cúng sức khỏe (cúng vòng đời người) cây Nêu được trang trí bằng cách treo bông vải hoặc những bó chỉ màu buộc từng chùm… Lễ cúng cây nêu vào nhà là một trong những sinh hoạt văn hoá, phản ánh đậm nét đời sống, tinh thần của đồng bào Ê Đê tỉnh Đắk Lắk.
Một số hình ảnh phục dụng lễ cúng cây nêu cầu an:
Cây nêu thường được dựng trong nhà dài hoạt ngoài sân
Cây Nêu được trang trí bằng cách treo bông vải hoặc những bó chỉ màu buộc từng chùm.
Trước lễ cúng gia chủ mời mọi người về tham dụ lễ cúng.
Mọi người trong gia đình chuẩn bị những vật liệu cho lễ cúng cây nêu cầu an
Rượu ghè là vật không thể thiếu trong nghi lễ cúng
Thầy cúng chuẩn bị lễ vật và thực hiện nghi lễ cúng cây nêu
Thầy cúng thục hiện nghi lễ cúng cây nêu cầu an cho gia chủ
Sau nghi thức uống rượu cần, mời cơm trong dòng họ và đeo vòng tay cho vợ chồng chủ nhà
Cộng đồng người ê đê đều tham gia dự lễ cùng với gia đình
Đức Thụy