Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Tuổi trẻ Ayun Pa bảo tồn chiêng cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Thông qua việc thành lập các câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng và tích cực tham gia các chương trình nghệ thuật, tuổi trẻ thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn di sản cồng chiêng, đồng thời lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

Bảo tồn di sản

Hơn 10 năm qua, anh Nay Bưng-Bí thư Đoàn xã Ia Rtô luôn trăn trở, tìm cách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Theo anh Bưng, với sự phát triển của mạng xã hội như hiện nay, giới trẻ sẽ bị cuốn theo các thể loại âm nhạc hiện đại, các trò chơi giải trí trên internet. Vậy, làm cách nào để kéo lớp trẻ trở về với văn hóa truyền thống, cho họ thấy được cái hay, cái đẹp, sức hấp dẫn của văn hóa cồng chiêng. Và, tháng 3 vừa qua, Đội cồng chiêng Arap cổ của xã Ia Rtô được thành lập với 21 thành viên. Anh Bưng được bầu làm đội trưởng.

Ngay sau khi thành lập, các thành viên trong đội đã có cơ hội trình diễn cồng chiêng tại lễ bế mạc Giải Đua xe đạp quần chúng thị xã Ayun Pa mở rộng lần thứ II-2023 và Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023.

Nghệ nhân Ksor Tuân truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho các thành viên tham gia Dự án “Giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa Jrai tại xã Ia Rbol”. Ảnh: V.C

Nghệ nhân Ksor Tuân truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho các thành viên tham gia Dự án “Giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa Jrai tại xã Ia Rbol”. Ảnh: V.C

Đến nay, đội đã có 40 thành viên. Với mục đích kế thừa, ngoài những thành viên lớn tuổi, Đội cồng chiêng Arap cổ còn có sự tham gia của đoàn viên, thanh niên và các em nhỏ. Những nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy cho thế hệ trẻ, người biết nhiều truyền dạy cho người chưa biết tạo không khí cởi mở trong mỗi buổi sinh hoạt. Niềm vui lớn nhất với các thành viên là được cấp 1 bộ cồng chiêng cổ phục vụ cho việc tập luyện.

Là thành viên nhỏ tuổi nhất, em Nay Gia Phúc (SN 2012) luôn hào hứng mỗi khi được tham gia trình diễn cùng cả đội. “Em cảm thấy vô cùng tự hào khi được mặc trang phục truyền thống và trình diễn cồng chiêng trên sân khấu. Em mơ ước mình trở thành một người đánh chiêng giỏi như các nghệ nhân trong làng và có thể chỉ lại cho các bạn cùng trang lứa”-Phúc bộc bạch.

Còn anh Ksor Vui (buôn Ama Djơng, phường Đoàn Kết) thì chia sẻ: “Cồng chiêng gắn bó với mình từ nhỏ. Ngay từ những ngày đầu cắp sách đến trường, mình đã được đi theo cha, ông cùng các già làng đánh chiêng trong các lễ hội truyền thống. Gia đình mình là một trong số ít hộ ở buôn Ama Djơng còn lưu giữ được bộ cồng chiêng cổ. Mình đang công tác tại Công an thị xã Ayun Pa. Mặc dù công việc khá bận nhưng mỗi khi có thời gian, mình lại tham gia đi biểu diễn hay cổ vũ các thành viên CLB với mong muốn lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống đến với mọi người”.

Lan tỏa tình yêu trong cộng đồng

Là lực lượng kế cận, đóng vai trò chủ thể trong việc bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, tuổi trẻ thị xã Ayun Pa đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, tiêu biểu là vận động thành lập các CLB cồng chiêng tại trường học và các xã, phường. Hiện nay, 7/8 xã, phường tại thị xã có CLB cồng chiêng. Đặc biệt, năm 2023, Thị Đoàn ra mắt CLB cồng chiêng “nhí” tại Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Rbol). Trung bình mỗi quý, Thị Đoàn tổ chức 1 buổi sinh hoạt cồng chiêng, phục dựng lại một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ và các tiết mục do đoàn viên, thanh niên là thành viên các CLB xã, phường trình diễn.

Lễ ra mắt Đội cồng chiêng Arap cổ xã Ia Rtô. Ảnh: Vũ Chi

Lễ ra mắt Đội cồng chiêng Arap cổ xã Ia Rtô. Ảnh: Vũ Chi

Anh Nguyễn Đức Huy-Bí thư Thị Đoàn-chia sẻ: Năm 2021, Dự án “Giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa dân tộc Jrai tại xã Ia Rbol” của chị Ksor HNhi (xã Ia Rbol) được Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam lựa chọn tài trợ thực hiện đã tạo sức lan tỏa rất lớn về niềm tự hào, tình yêu với văn hóa truyền thống trong giới trẻ. Từ chỗ có nguy cơ mai một, giờ đây hàng tuần, buôn làng đều vang vọng tiếng cồng chiêng. Đoàn viên, thanh niên say sưa tập luyện, quay clip để giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào mình ra thế giới. Hy vọng thời gian tới, với sự chung tay của các cấp, các ngành, tuổi trẻ thị xã có nhiều cơ hội được các nghệ nhân truyền dạy để các bạn hiểu thêm về vai trò, chỗ đứng của mình trong dòng chảy văn hóa, từ đó có ý thức giữ gìn và phát triển di sản của chính dân tộc mình.

Theo thống kê, thị xã Ayun Pa hiện còn 115 bộ cồng chiêng, trong đó có 597 chiêng bằng và 1.212 chiêng núm cùng 10 đội cồng chiêng thường xuyên hoạt động. Chia sẻ về những kế hoạch nhằm bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đặc biệt là chiêng cổ tại vùng đất được coi là một trong những cái nôi của văn hóa Tây Nguyên, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Đặng Thị Thanh Vân cho hay: Những năm qua, thị xã Ayun Pa luôn quan tâm đến công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc tại địa phương; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các nội dung Luật Di sản nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản. Bên cạnh đó, thị xã còn tích cực phục dựng các lễ hội tiêu biểu của người Jrai như lễ cúng cầu mưa, lễ cúng bến nước, lễ cưới truyền thống của người Jrai, từ đó tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của thế hệ trẻ.

“Một trong những bước đột phá trong công tác bảo tồn di sản tại thị xã thời gian gần đây có thể kể đến việc tổ chức trình diễn cồng chiêng đường phố hàng quý. Chương trình nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các CLB cồng chiêng tại các xã, phường, đặc biệt là các bạn trẻ, qua đó góp phần đưa văn hóa cồng chiêng đến gần hơn với công chúng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng”-bà Vân nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm