Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Dịu dàng hương mộc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong muôn trùng cung bậc cảm xúc của con người, mỗi loài hoa mỗi vẻ. Hồng kiêu sa, lộng lẫy khiến lòng say mê, lan cao quý khí tiết khiến ta trọng vị, tường vi cánh mỏng gợi niềm thương. Mộc quế hoa, dịu dàng sắc, nhẹ nhàng hương lại khơi lên bao nỗi bâng khuâng khó tả.

Với tôi, mộc quế hoa gọi tên mùi hương của niềm “tương tư”. Bởi hương mộc chưa bao giờ làm tôi thất vọng, đã một lần thưởng thức là mãi ủ lưu trong ký ức, một lần chạm khẽ là sẽ vấn vương đi tìm. Dù trong đêm sương tan, trong đêm mưa giăng hay lúc ban mai hoặc khi chiều tàn, loài hoa này luôn đánh thức khứu giác bằng một mùi hương vừa lạ vừa quen.

Mộc quế hoa hay còn gọi mộc tê (moksei) là một loài thực vật bản địa của châu Á mọc nhiều ở phía Đông dãy Himalaya, Nhật Bản, Việt Nam… Hoa trổ thành chùm màu vàng cam, vàng nhạt, màu trắng sữa, tên hoa cũng từ đó chia thành các loại: đan quế, kim quế, ngân quế…

Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Tôi tình cờ biết đến mộc quế hoa qua một món uống, thử một lần đã không thể nào quên, đó là trà quế hoa mật ong. Sự mời gọi của hương vị kích thích tính tò mò và sở hữu, phải tìm cho được một cây mộc quế hoa để trồng.

Cả năm trời, cây âm thầm lớn, trổ cành, vươn lá nhưng chưa hé một nụ hoa nào. Rồi một ngày, khi mưa nắng đã dầm dãi chê chán, khi bao nhiêu hoa lá trong vườn đã nở tàn mấy lượt, khi những háo hức ngóng trông đã dần nguội thì một mùi hương thơm mát thanh tao quen lắm, chợt vỡ òa trong sương sớm. Hương mộc sẽ sàng nhập cuộc, trì níu đôi mắt và bước chân người tìm kiếm nụ hoa trắng, vàng nào vừa lấp ló đâu đó dưới tán lá xanh. Và đúng thật, cánh hoa bé xinh chưa tỏ hình mà hương thơm đã dịu dàng chăng lối người qua.

Thật thiếu sót nếu nói đến mộc quế hoa mà không nhắc đến mùi hương của nó. Không nồng nàn như hoàng lan, ngọc lan hay hoa sữa, không quện lưu mùi tinh dầu chuối như sử quân tử, không dịu ngọt chăng tơ như hương vani của lan vũ nữ tím… mộc tê là hương thơm của sự kiếm tìm, mời gọi và đánh thức khứu giác bằng nỗi dịu dàng xao động rồi dần dần loãng tan.

Trong khoảnh khắc chạm vào của mùi hương và khứu giác, ta cảm nhận thật rõ rệt một ý vị nhẹ nhàng, thanh tao. Nhẹ đến mức ngay lập tức có thể khiến thân tâm khoan khoái, nhẹ nhõm. Rồi theo gió, hương lan đi thật nhanh, khiến lòng ngẩn ngơ, nuối tiếc một thứ gì vừa chạm đã tan, thoáng chốc mà mãnh liệt vô cùng.

Mộc mà quý phái, bởi nó không phải thứ vẻ đẹp hương sắc lộng lẫy phô phang khiến bướm ong thèm thuồng, không phải thứ mùi ngào ngạt để rồi lãng phai hay nồng nã lúc úa tàn. Mộc giữ nét hương thanh nhã tinh khôi, cánh hoa bé nhỏ, bình dị, sắc màu nền nã, nhã nhặn. Đó có lẽ là lý do mộc quê hoa thường được trồng trong hoa viên thảo điền, đặc biệt là chùa chiền, nơi thanh nghiêm thiền tịnh. Loài hoa mang tên “cửu lý hương” (hương thơm bay xa 9 dặm) ấy cứ vấn vít, lẩn quất, ẩn hiện đủ làm nhạt nhòa vô số hương hoa khác trong vườn.

Mộc quế hoa khiến người ta nghĩ đến sự giản dị mà sâu sắc, nhẹ nhàng mà đầy sức níu giữ. Sức hút của sự mộc mạc, khiêm nhường làm lòng say mê, mà đã say thì… thiên vị. Nhưng bạn cứ thử uống trà mộc hương, ăn bánh quế hoa và hít hà một làn hơi thơm tho trong chiều ngược gió thì sẽ thấy đủ đầy một niềm yêu trọn vẹn không cần giấu giếm với loài hoa bé nhỏ này.

Đôi khi, sự giản đơn, mộc mạc và sự tinh tế, trang nhã không đối lập mà dung hòa trong nhau và mộc hương là một minh chứng thú vị như thế. Nó khiến tôi nhớ đến câu thoại của Juliet trong “Romeo và Juliet” (W. Shakespear): “what’s in a name, that which if we call a rose by any other name would smell as sweet” (hoa hồng giá gọi bằng tên nào khác thì hương thơm vẫn ngọt ngào). Với riêng tôi, trong niềm yêu của người trót say mê hoa mộc, mộc định danh cho sự thanh nhã, quý phái, cho nét dịu dàng quyến rũ thôi thúc phải “tương phùng”. Vì rằng, dù mắt chưa thấy rõ hình, dù lòng còn ngơ ngác thoáng mơ hồ: “có phải mộc quế hoa đang chăng hương đâu đây?” thì chân đã mải mê, líu ríu bước đi tìm.

Có thể bạn quan tâm