Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Thương hoài chòi mòi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu ai đã từng dừng chân dưới tán lá xanh, thưởng thức vài ba quả chòi mòi chín mọng, chắc hẳn khó có thể quên cái vị chua thanh, dịu ngọt. Không chỉ là món quà của thiên nhiên, quả chòi mòi còn là ký ức tuổi thơ của bao người.

Chòi mòi là loại cây có nhiều cành nhánh cong, lá hình bầu dục, phía trên trơn láng, phía dưới có nhiều lông mịn, lá non ăn sống hay nấu canh đều được. Quả chòi mòi lúc non có màu xanh, khi gần chín chuyển sang màu hồng đỏ và sẽ ngọt thanh khi ngả sang màu đen. Chòi mòi ra hoa từ khoảng tháng 3 đến tháng 6 và cho quả lai rai, nhưng rộ nhất từ tháng 7.

Cây chòi mòi cao có thể hơn 10 m. Những cành lá mảnh mai vươn lên đón lấy từng giọt nắng, từng hạt mưa của đất trời mà sinh sôi, phát triển. Để đến mùa quả, chỉ cần xốc chén muối ớt với trái chòi mòi chín đỏ là ta đã có thể chia nhau nếm đủ vị chua-cay-mặn-ngọt.

Các em nhỏ ở làng Sơ (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) dưới tán chòi mòi. Ảnh: N.T.D

Các em nhỏ ở làng Sơ (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) dưới tán chòi mòi. Ảnh: N.T.D

Mới đây, khi ngang qua làng Sơ (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) đúng mùa quả chín, tôi đã khó lòng rời bước khi bắt gặp tán cây chòi mòi cao lớn trong vườn của một hộ dân trong làng. Quả mọc thành chùm chi chít, thỏa đôi mắt nhìn. Thoáng chốc, bao nhiêu ký ức thời trẻ của tôi ùa về.

Ký ức tuổi thơ dung dị nhưng đằm thắm ấy chính là câu chuyện nhỏ tôi mãi mang theo. Không chỉ vì thứ quả cho vị chua lạ đã trở thành “đặc sản” với thị thành mà còn vì đó là thức quà sạch, nguyên chất từ rừng được nuôi dưỡng bởi nguồn đất tự nhiên và nắng mưa của trời.

Hồi nhỏ, anh chị tôi vẫn thường lên núi Bà và lần quay về nào cũng mang cho tôi một ít chòi mòi chín. Đó là những mùa chòi mòi chín nơi lưng chừng núi của tôi 20 năm trước. Đôi lúc, tôi tự hỏi cây trái từ đâu mà hữu duyên dừng chân chọn bến đỗ này.

Đi cùng tôi đến làng Sơ hôm ấy có một người bạn là giáo viên nước ngoài dạy tại một trung tâm tiếng Anh ở Pleiku. Tôi dẫn bạn ghé thăm làng như lời giới thiệu trước đó. Bạn ngỏ ý muốn đi dạo quanh làng. Dừng chân bên cây chòi mòi, bạn đã ngạc nhiên khi biết quả bé xíu kia rất tốt cho phổi và chữa ho hiệu nghiệm.

Trước đó, nghe từ quả chòi mòi, theo bản năng, cô giáo tiếng Anh này gom hết cả quả xanh lẫn chín để nhẩn nha thưởng thức. “Wow”-cô bạn bày tỏ niềm thích thú. Và sau khi nghe tôi giải thích cách chọn quả chín ngọt và công dụng, bạn trầm trồ mãi thôi.

Cách đây mấy hôm, dừng chân bên đường mua vội bịch chòi mòi của các em người Jrai, mỗi bịch được các em nhỏ gói sẵn khi ấy có giá 15 ngàn đồng, tôi đã mua hết. Rồi vừa đi vừa nghĩ miên man. Phàm là thức quà từ thiên nhiên và dù có mớ ba mớ bảy từ những trái cây vườn rẫy, tôi đều yêu thích. Cũng vì lẽ đó nên dù cho đã gắn bó gần 30 năm ở Pleiku, tôi vẫn như kẻ lạc miền, chỉ mong mỏi một chút cây trái kia sẽ giúp tôi tìm về tuổi thơ.

Bà con làng Sơ còn kể cho tôi nghe, ngày trước, thỉnh thoảng họ có dịp chứng kiến cuộc gặp gỡ đặc biệt diễn ra trong cộng đồng làng. Ngày ấy, cây chòi mòi được trồng nhiều lắm, bạt ngàn khắp làng, nơi bờ rào, trong vườn rẫy và trên cả lối đi. Vì thương quý, vì sẻ chia, nhiều người sẵn sàng tặng nhau những cây chòi mòi hàng chục năm tuổi để kết tình thân quen. Để đến mùa quả chín, trẻ con nhà này sang nhà kia í ới gọi nhau, râm ran khắp vùng.

Người làng cũng còn nhắc nhau rằng năm xưa người già muốn giữ lại những tán chòi mòi cho quả, người trẻ thì quyết bỏ đi, người già thì neo giữ kỷ niệm, người trẻ muốn xa rời. Hình như cây hiểu lòng người già nên cứ nương theo nắng mưa mà lớn. Và cũng nhờ sự vững lòng của người già mà những tán chòi mòi ở làng Sơ đến mùa lại chùm chùm quả chín mọng bên đôi mắt hồn nhiên trong veo tuổi thơ.

Đứng dưới bóng cây chòi mòi, ngắm nhìn những chùm quả đỏ rực trong nắng, ta như thấy được sự giản dị mà đẹp đẽ của cuộc sống. Dưới chùm quả chín ngọt đầu mùa, tôi như được về từ ký ức tuổi thơ, từ vị quả đậm ủ vương trong từng nếp áo, nếp khăn để thương hoài một mùa chòi mòi còn mãi.

Có thể bạn quan tâm