Multimedia

Emagazine

Quan tâm chăm lo gia đình chính sách, người có công

E-magazine Quan tâm chăm lo gia đình chính sách, người có công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

(GLO)- Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, các ngành và địa phương trong tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

 
 

Trở về sau khi tham dự lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ và gặp mặt đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022 tại Hà Nội.

 

Chồng bà Tam là liệt sĩ Rơ Châm Hới. Ông hy sinh khi 3 người con trai, 2 con gái đều còn nhỏ. Vượt qua những mất mát, đau thương và khó khăn trong cuộc sống, bà Tam đã nuôi dạy các con trưởng thành, có công việc ổn định. “Gia đình đều nhận đầy đủ các chế độ ưu đãi dành cho thân nhân liệt sĩ. Nhiều năm trước, địa phương còn hỗ trợ gia đình làm nhà tình nghĩa. Hàng năm, vào những ngày lễ, Tết và đợt vừa rồi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cấp ủy, chính quyền địa phương đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà. Với tôi, sự quan tâm, chăm sóc như thế là quá chu đáo. Tôi cũng căn dặn các con phải chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương để xứng đáng với truyền thống gia đình cách mạng”-bà Tam bộc bạch.

Sờ vào vết sẹo lồi trên cánh tay, ông Mung (làng Bră, xã Kdang, huyện Đak Đoa) nhìn xa xăm như đang hồi tưởng về những năm tháng xưa. Ông Mung kể: Tháng 2-1972, ông lên đường nhập ngũ, đơn vị đóng quân ở Khu 3. Trong một lần công phá đồn địch, ông bị mảnh đạn găm vào cánh tay và đùi. Vết thương khiến ông bị suy giảm khả năng lao động 61%. Sau ngày thống nhất đất nước, ông phục viên, hưởng chế độ bệnh binh. Dù mang trên mình nhiều thương tích, song ông vẫn không ngừng nỗ lực trong lao động sản xuất, xây dựng gia đình, nuôi dạy các con. 

 

Được sự quan tâm, chăm lo từ các cấp, các ngành suốt nhiều năm qua, thương binh Đinh Triêng (làng Lợt, xã Kông Pla, huyện Kbang) vơi đi nhiều khó khăn và cảm thấy ấm lòng trước cuộc sống hiện tại. Trong những năm tham gia kháng chiến ở chiến trường Tây Nguyên, ông bị thương 5 lần. Giờ đây, vết thương vẫn còn hành hạ cơ thể mỗi khi trái gió trở trời. Nhưng với ông, nỗi đau ấy không là gì so với nỗi đau đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc. “Dịp lễ, Tết, lãnh đạo các cấp đến thăm hỏi, động viên khiến mình thấy ấm lòng. Hàng tháng, mình được Nhà nước trợ cấp hơn 3 triệu đồng, cuộc sống không còn khó khăn như trước. Mình giờ chỉ mong có sức khỏe, vui vầy bên con cháu”-ông Triêng bày tỏ. 

 

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 65 ngàn người được hưởng chế độ ưu đãi người có công gồm: 9.731 gia đình liệt sĩ, 213 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 9 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 19 cán bộ lão thành cách mạng, 98 cán bộ tiền khởi nghĩa, 5.328 thương binh, 4.006 bệnh binh, 14.530 người có công với cách mạng, 3.508 người bị nhiễm chất độc hóa học, 19.516 người hoạt động kháng chiến, 7.274 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. Đến nay, các cấp, các ngành đã giải quyết chính sách cho hơn 4 ngàn thân nhân người có công và trên 10 ngàn người tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế. Việc chi trả chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng, trợ cấp một lần và điều chỉnh các mức hưởng được các cấp, các ngành thực hiện đầy đủ, kịp thời theo quy định trong từng giai đoạn. Chính sách hỗ trợ người có công về nhà ở, chế độ ưu đãi trong giáo dục-đào tạo, y tế cơ bản được giải quyết. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 2.013 ngôi nhà cho gia đình chính sách với tổng kinh phí trên 73 tỷ đồng. Hiện 100% người có công và thân nhân thuộc đối tượng quản lý được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

 

Huyện Kbang có 781 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Các chế độ, chính sách đối với người có công luôn được địa phương quan tâm triển khai giải quyết kịp thời, chu đáo, đúng đối tượng. Ông Lê Duy Kiên-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-thông tin: “Từ đầu năm đến nay, huyện đã vận động hỗ trợ xây dựng 5 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công. Hàng năm, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện đều phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, nắm chắc tình hình mọi mặt đời sống của các gia đình chính sách, người có công và đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với những hộ khó khăn”.

 

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành quan tâm chăm sóc, tu sửa các công trình ghi công liệt sĩ. Toàn tỉnh có 13 nghĩa trang liệt sĩ, 35 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 3 đài tưởng niệm liệt sĩ, 5 đền thờ liệt sĩ và 3 ngôi mộ chung. Ông Tăng Ngọc Trai-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ-cho hay: “Hàng năm, huyện trích ngân sách và Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để tu sửa Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, các nhà bia tưởng niệm, di tích lịch sử, đảm bảo các công trình luôn khang trang, sạch đẹp, xứng đáng là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Riêng năm 2022, huyện trích hơn 100 triệu đồng để tu bổ một số hạng mục đã xuống cấp ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện”. Lực lượng đoàn viên, thanh niên của huyện cũng tham gia hàng trăm ngày công để chỉnh trang, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ và dọn vệ sinh các công trình ghi công liệt sĩ.

 

Trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, những năm qua, các ngành, địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết và chủ động cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Từ năm 2018 đến nay, các đơn vị đã quy tập được 182 hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh; Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã tìm kiếm, quy tập được 75 hài cốt liệt sĩ tại 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia để đưa về nước an táng.

 
 

Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các chế độ ưu đãi của Nhà nước dành cho người có công. Quan tâm giải quyết việc làm cho thân nhân người có công, hỗ trợ vốn vay thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia cho những hộ có nhu cầu để phát triển sản xuất kinh doanh... quyết tâm thực hiện mục tiêu cơ bản không còn gia đình người có công thuộc hộ nghèo; đảm bảo 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Đồng thời, triển khai Kế hoạch số 104-KH/TU ngày 27-11-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Quản lý, tổ chức chi trả chế độ chính sách cho người có công đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng; giải quyết dứt điểm hồ sơ người có công còn vướng mắc; kịp thời thực hiện các chế độ chính sách mới ban hành. Tiếp tục quản lý, tu bổ, chỉnh trang, đầu tư nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ và các phần mộ liệt sĩ.

 
   
 

 

Có thể bạn quan tâm