Những ngày nghỉ hè, cô sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng Rơ Lan Huyền về làng Sung O-Boòng Nga thăm mẹ và phụ giúp dì việc nương rẫy. Mẹ Huyền mắc bệnh tâm thần đã mười mấy năm rồi. Cô gái nhỏ nhắn ấy đón chúng tôi bằng nụ cười tươi cùng ánh mắt đượm buồn song vẫn ánh lên nét tươi sáng.
Huyền là con út trong gia đình 3 anh em. Những tưởng cô bé sẽ được lớn lên trong tình yêu thương trọn vẹn của gia đình. Thế nhưng, khi Huyền vào học mẫu giáo thì bố em qua đời. Một năm sau đó, mẹ em bỗng phát bệnh tâm thần. Từ đó, chuỗi ngày ấm êm, hạnh phúc của 3 anh em Huyền không còn nữa mà thay vào đó chỉ là nước mắt bởi những lần gào thét, chửi bới, đánh đập của mẹ mỗi khi cơn bệnh trỗi dậy. Giọng run lên vì xúc động, Huyền kể cho chúng tôi nghe chuyện của một đêm mưa gió, em vùng chạy khỏi nhà trong nỗi sợ hãi.
Huyền kể, nhà dì Piơnh nghèo lắm! Dì còn nuôi cậu em trai cũng mắc căn bệnh tâm thần. Thế nhưng, vì thương cô bé sáng dạ ham học mà dì đã nhận Huyền về bảo ban, chăm sóc và tiếp thêm động lực để em vượt qua nghịch cảnh. Chị Piơnh chia sẻ: “Hồi mới bị bệnh, mẹ thường đập phá nên Huyền rất sợ. Mỗi lần đi học về, cháu chỉ đứng nhìn từ xa rồi khóc chứ không dám lại gần. Mình thương cháu nên thay bố mẹ nuôi nấng, chăm sóc. Giờ Huyền như con gái của mình.
Số phận không may mắn đã một phần là nỗi đau trong Huyền nhưng điều em buồn tủi hơn khi có nhiều lời châm chọc về hoàn cảnh riêng. Dù vẫn tự dặn bản thân phải mạnh mẽ vượt qua nhưng có nhiều khi, Huyền không khỏi tủi thân, chạnh lòng. Cũng vì hoàn cảnh, 2 anh chị của Huyền phải nghỉ học giữa chừng. Huyền thương các anh chị và tự nhủ bản thân phải cố gắng vượt qua để được tới trường.
Huyền vẫn nhớ lúc còn nhỏ, có những ngày nhà dì chỉ có mỗi rau để ăn nhưng trong căn bếp nhỏ, dì Piơnh vẫn thắp sáng ngọn đèn, ôm lấy Huyền và bảo: “Đói cái bụng nhưng không để đói cái chữ. Nếu có cái chữ nhiều thì sau này bữa cơm của mình sẽ không còn phải ăn mỗi rau”.
Từ những lời an ủi, động viên của dì, Huyền có thêm động lực, quyết tâm phấn đấu học tập thật tốt, theo đuổi con đường học vấn với kỳ vọng vào một tương lai tương sáng hơn. Thế rồi, cô gái Jrai ấy chú tâm học hành và em đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Suốt nhiều năm liền, em đạt danh hiệu học sinh giỏi và nhận được nhiều phần thưởng, học bổng.
Và niềm tự hào của người thầy năm ấy về cô học trò nhỏ đã được nhân lên theo năm tháng khi thành tích học tập của Huyền ngày càng cao. 3 năm theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, Huyền đều đạt thành tích học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt; đạt giải ba môn Địa lý tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023. Năm 2023, Huyền thi đậu Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, chuyên ngành Giáo dục tiểu học.
Nghe tin Huyền trở thành sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, người dân làng Sung O-Boòng Nga không khỏi vui mừng, phấn khởi. Đây được xem như phần thưởng mà Huyền mang về cho ngôi làng của mình cùng người mẹ bất hạnh và người dì tảo tần.
“Có được thành quả này, ngoài sự nỗ lực của bản thân, em còn nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các thầy-cô giáo, sự động viên của gia đình và bạn bè đã tiếp thêm động lực và niềm tin để em vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Em sẽ tiếp tục cố gắng để hoàn thành thật tốt việc học và được quay trở về ngôi làng của mình dạy con chữ cho lũ trẻ. Em mong mình có thể góp sức để không còn đứa trẻ Jrai khó khăn nào không được tới trường”-Huyền bày tỏ nguyện vọng.
Từ nhỏ, Huyền đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo. Và ước mơ ấy của em đang dần trở thành hiện thực bởi chính nghị lực đáng nể của cô gái nhỏ. Vẫn trong ngôi nhà cấp 4 lụp xụp giữa làng, như một thói quen hàng ngày, chị Rơ Lan Piơnh vuốt ve những tấm giấy khen của Huyền.
Chị Piơnh bảo: “Thương mẹ bị bệnh nặng và thương dì vất vả làm lụng, Huyền đã cố gắng học thật giỏi. Một phần là vì nếu đạt học lực giỏi, Huyền sẽ được tuyển vào các trường nội trú học và được Nhà nước hỗ trợ, sẽ đỡ cho dì rất nhiều. Phần khác là Huyền muốn học giỏi để trở thành cô giáo dạy chữ cho bọn trẻ của làng. Trong học kỳ thứ nhất của năm học đầu tiên tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Huyền cũng đã nhận được học bổng khuyến học của nhà trường. Tôi tự hào vì ở môi trường nào, Huyền vẫn không ngừng vượt qua khó khăn để đạt thành tích tốt nhất”.
Thay vì cảnh lấm lem theo bố mẹ lên rẫy, vào mùa hè, lũ trẻ con trong làng lại kéo nhau tới nhà Huyền để được gặp, chuyện trò và được nghe kể về con chữ. Với chúng, chị Huyền trở thành tấm gương sáng để noi theo.
Chỉ về phía con đường nhỏ sang ngôi nhà của mẹ, Huyền mỉm cười: “Nay em không còn sợ mẹ nữa. Mỗi lần về nhà, em thường lại gần chuyện trò và kể cho mẹ nghe về những thành tích của mình. Có thể mẹ không hiểu hết lời em nói nhưng em tin mẹ sẽ mỉm cười vui vẻ. Bây giờ sức khỏe của mẹ cũng đỡ hơn nhiều, không còn la hét, đập phá và cũng không phải xích chân lại nữa. Mong rằng khi em thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo, mẹ sẽ vui mừng mà khỏe lại”. Nhìn trong đôi mắt đen láy của Huyền, chúng tôi thấy ánh lên một niềm tin mãnh liệt.