Sôi động lễ hội đường phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018, lễ hội đường phố đã để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng du khách và người dân Pleiku. Sự cộng hưởng giữa tài năng trình diễn của các nghệ nhân cùng sự cổ vũ đầy hào hứng, nhiệt tình của người dân và du khách đã tạo nên một không khí vô cùng sôi động.

Lễ hội đường phố diễn ra vào chiều 30-11 trong tiết trời mát mẻ, dễ chịu của Phố núi. Ở mỗi góc phố, mỗi cung đường chính của TP. Pleiku đều rộn ràng tiếng cồng, tiếng chiêng cùng những điệu xoang uyển chuyển của bao chàng trai, cô gái Bahnar, Jrai, Chu Ru, Ê Đê, MNông... Hoạt động đặc sắc này đã đưa không gian lễ hội cũng như bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đến gần với người dân và du khách thập phương hơn bao giờ hết.
Trên đường phố, các nghệ nhân đồng diễn một cách say sưa. Ảnh: T.D
Tham gia lễ hội đường phố lần này có 26 đoàn nghệ nhân thuộc 4 tỉnh: Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum, Lâm Đồng và đoàn của 17 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai. Các đoàn diễu hành theo lộ trình từ Nhà thiếu nhi tỉnh-đường Hoàng Văn Thụ-đường Trần Phú-đường Trần Hưng Đạo-đường Quang Trung-đường Lê Lợi-đường D1 (Quảng trường Đại Đoàn Kết). Nghệ nhân tham gia diễu hành vừa trình diễn nhạc cụ, diễn tấu cồng chiêng, đi cà kheo... thể hiện những tinh hoa trong bản sắc văn hóa của từng dân tộc; đảm bảo trật tự và khoảng cách giữa các đoàn cách nhau 4-5 m. Trên mỗi cung đường mà các đoàn nghệ nhân đi qua, tiếng cồng chiêng rộn rã hòa vào các điệu múa uyển chuyển. Sự hứng khởi tham gia và cổ vũ của đông đảo người dân và du khách càng làm cho lễ hội đường phố trở nên sôi động, hấp dẫn; ai cũng tranh thủ quay phim, chụp ảnh làm kỷ niệm. Tất cả như một “bữa tiệc” nghệ thuật độc đáo, giàu cảm xúc. 
Nếu đoàn nghệ nhân huyện Đak Đoa thu hút sự cổ vũ nhiệt tình với sự xuất hiện của các pram-nhân vật hóa trang mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, ác quỷ  trong tín ngưỡng phong tục của người Bahnar… thì bài chiêng “Mừng lúa mới” của đoàn nghệ nhân huyện Đak Pơ với ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của Yàng ban cho dân làng cũng tạo được ấn tượng mạnh mẽ với đông đảo du khách gần xa. Nghệ nhân Đinh Văn Trâm (đoàn Đak Pơ) hào hứng chia sẻ: “Được mang cồng chiêng và điệu xoang của dân tộc mình ra trình diễn trước đông đảo mọi người như thế này thật sự rất thú vị. Mỗi dân tộc tới đây đều có một tiết mục rất hay. Được giao lưu văn hóa và kết bạn với các dân tộc khác trên vùng đất Tây Nguyên này quả là một cơ hội hiếm có”.
Lễ hội đường phố sôi động với nhiều bản sắc văn hóa. Ảnh: Trần Dung
Đến với lễ hội đường phố, 15 nghệ nhân người dân tộc Chu Ru của tỉnh Lâm Đồng đã trình diễn điệu múa Arya truyền thống của dân tộc mình.
Arya theo tiếng Chu Ru nghĩa là nhịp chiêng, đồng thời là tên gọi của một vũ điệu dân gian của người Chu Ru. “Arya là vũ điệu dành cho các cuộc vui của hầu hết các lễ hội và sự kiện trọng đại của đời người. Vũ điệu với ý nghĩa mời khách uống rượu cần và cùng nhảy múa với những động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển, duyên dáng cùng những bước di chuyển ngắn, nhịp nhàng. Đây là vũ điệu mang tính cộng đồng, động tác đơn giản nên ai cũng đều có thể hòa nhịp”-một nghệ nhân đoàn Lâm Đồng lý giải. Một trong những phần trình diễn cũng được người dân và du khách đón nhận rất nồng nhiệt là 2 bài chiêng “Mừng ngày hội” và “Chúc mừng sức khỏe” của đoàn Đak Nông. Ông Y Lanh-Trưởng đoàn nghệ nhân tỉnh Đak Nông-hứng khởi nói: “Đoàn nghệ nhân tỉnh Đak Nông có 16 nghệ nhân dân tộc MNông tham gia trình diễn tại Lễ hội đường phố. 2 bài chiêng này được chúng tôi tập luyện và chuẩn bị khá kỹ lưỡng với hy vọng mang tới những tiết tấu sôi động và chuyển tải được nội dung ý nghĩa”.
Lễ hội đường phố đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng du khách. Ảnh: Trần Dung
Mặc dù chỉ diễn ra trong gần 2 giờ đồng hồ nhưng lễ hội đường phố đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng du khách trong và ngoài tỉnh. Nhiều người dân ở Gia Lai vẫn cho rằng, đây là dịp may mắn để họ được hòa mình vào những âm thanh núi rừng Tây Nguyên ngay giữa lòng thành phố. Ai nấy đều cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi được mãn nhãn với lễ hội lớn nhất trong năm trên địa bàn tỉnh. “Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt theo dõi và hòa mình vào không gian văn hóa của các dân tộc anh em. Hình ảnh những cô bé, cậu bé dân tộc thiểu số mang mặt nạ nhảy múa, đi cà kheo rất giỏi hoặc diễn tấu cồng chiêng rất hay, rất độc đáo đã khiến cảm xúc của tôi dâng trào”-anh Nguyễn An Nhiên (xã An Phú, TP. Pleiku) chia sẻ. Đến với Festival Văn hóa cồng chiêng năm nay, nhiều du khách cũng rất bất ngờ với những trải nghiệm thú vị và chân thật nhất mang bản sắc riêng của từng dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên. Chị Hồ Anh Thư (du khách Hà Nội) hào hứng bày tỏ: “Hòa trong không khí lễ hội đường phố ấn tượng này, tôi và những người bạn của mình có cơ hội trải nghiệm không gian lễ hội của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên; đồng thời, tìm hiểu văn hóa truyền thống bản địa của nhiều dân tộc qua các nhạc cụ truyền thống, các bài chiêng... được các nghệ nhân trình diễn trong suốt hành trình của lễ hội. Một không gian văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc Tây Nguyên. Chúng tôi đã có một chuyến đi thực sự ý nghĩa. Chúng tôi sẽ trở lại mảnh đất này để trải nghiệm và được tìm hiểu sâu hơn đời sống văn hóa giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây”.
Trần Dung

Có thể bạn quan tâm