Cuộc thi phóng sự, ký sự Gia Lai 50 năm đổi mới và phát triển

Sport Farm làm nông nghiệp bằng sự tử tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ đa dạng về chủng loại, sầu riêng hữu cơ tại Sport Farm (thôn 9, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) còn được thương lái săn đón với giá cao hơn thị trường bởi chất lượng thơm ngon, an toàn cho sức khỏe.

Với gần 2.000 cây sầu riêng, phần lớn đang cho quả, Sport Farm không chỉ gây ấn tượng với số lượng, chất lượng mà còn bởi sự quyết tâm làm nông nghiệp bằng sự tử tế của chủ trang trại.

Hành trình đưa sầu riêng thay thế cà phê

Chúng tôi tìm đến Sport Farm-trang trại sầu riêng rộng hơn 10 ha của ông Phạm Văn Tuấn trong một ngày lất phất mưa. Sau nụ cười tươi niềm nở đón khách, ông Tuấn vui vẻ dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng đang vào mùa thu hoạch. Vừa đi, ông Tuấn vừa chậm rãi chuyện trò về cơ duyên trở thành lão nông sở hữu trang trại sầu riêng hơn 10 chủng loại như hiện nay.

Nhân công thu hoạch sầu riêng tại Sport Farm. Ảnh: L.H

Nhân công thu hoạch sầu riêng tại Sport Farm. Ảnh: L.H

Ông Tuấn sinh ra ở Pleiku. Thời trẻ, ông là cầu thủ khoác áo đội tuyển bóng đá Gia Lai. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Tuấn công tác trong ngành Thể dục-Thể thao và giữ nhiều chức vụ cao từ cấp tỉnh đến trung ương. Ngoài tình yêu đặc biệt dành cho bóng đá, ông còn mê làm nông nghiệp sạch và ấp ủ dự định trở thành một lão nông thực thụ khi về hưu. Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, ông xin chủ trương và được Nhà nước cấp một khu đất nông nghiệp rộng 15 ha tại huyện Chư Păh-cũng chính là Sport Farm hôm nay.

“Thời điểm đó, vùng này đâu đâu cũng chỉ trồng cà phê nên có sự cạnh tranh cao. Với mong muốn phá bỏ thế độc tôn của cây cà phê, tạo đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, tôi đã cất công đi khắp các vùng trong cả nước để tìm kiếm một loại cây trồng khác thay thế. Và rồi, tôi bị hấp dẫn bởi sầu riêng-loại cây ăn quả khá phổ biến với các giống Ri6, Chín Hóa nổi tiếng khắp miền Tây Nam Bộ lúc bấy giờ”-ông Tuấn hồi nhớ.

Ông Phạm Văn Tuấn (bìa trái) giới thiệu về những sản phẩm phân bón hữu cơ. Ảnh: M.T

Ông Phạm Văn Tuấn (bìa trái) giới thiệu về những sản phẩm phân bón hữu cơ. Ảnh: M.T

Sau khi tìm hiểu, ông Tuấn nhận thấy sầu riêng không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Gia Lai. Sau đó, ông chặt bỏ hàng trăm cây cà phê để xuống giống 11 ha sầu riêng vào năm 2019.

Chia sẻ về quyết định có phần liều lĩnh của mình, ông Tuấn khẳng định: “Thời điểm đó, không nhiều người dám làm như tôi đâu, bởi cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh và giá cả cũng đang ổn định. Trong khi đó, sầu riêng là loại cây trồng khá mới mẻ trên vùng đất này, chưa thể nói trước được điều gì cả”.

Tháng 6-2024, Sport Farm đã đón một phái đoàn của Bộ Nông nghiệp Úc đến tham quan, khảo sát và nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia của nước này. Ông Phạm Văn Tuấn cũng khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm canh tác sầu riêng sạch cho những hộ dân có nhu cầu nhằm chung tay phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững tại địa phương.

Là người gắn bó với thể thao, ông Tuấn đặt tên trang trại sầu riêng của mình là Sport Farm. Đồng thời, ông tiếp tục dành thời gian học hỏi và nghiên cứu kỹ thuật trồng sầu riêng. “Tôi không ngừng tìm kiếm các phương pháp canh tác hữu cơ để đảm bảo rằng sản phẩm của mình không chỉ ngon mà còn sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Tôi tận dụng mọi cơ hội để học hỏi từ những người am hiểu trong lĩnh vực nông nghiệp và cả đồng nghiệp cũ”-ông Tuấn cho biết.

Rảo bước giữa hàng trăm cây sầu riêng tươi tốt, trái to tròn lủng lẳng đang đợi người thu hái, chúng tôi không khỏi trầm trồ. Theo “bật mí” của chủ trang trại, Sport Farm hiện có đến 10 giống sầu riêng các loại-điều mà không phải vườn sầu riêng nào cũng có được. Trong đó, nhiều giống sầu riêng truyền thống có tuổi đời gần 30 năm như: sầu riêng hạt, chuồng bò, khổ qua, Chín Hóa… đã được ông Tuấn lặn lội “săn lùng” ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và từ Viện Cây ăn quả miền Nam.

Ông Phạm Văn Tuấn (giữa)-chủ Sport Farm chụp ảnh cùng thành viên phái đoàn của Bộ Nông nghiệp Úc đến khảo sát tại trang trại. Ảnh NVCC

Ông Phạm Văn Tuấn (giữa)-chủ Sport Farm chụp ảnh cùng thành viên phái đoàn của Bộ Nông nghiệp Úc đến khảo sát tại trang trại. Ảnh NVCC

Để làm phong phú thêm chủng loại trong vườn, lão nông Phạm Văn Tuấn tiếp tục trồng thêm một số giống sầu riêng đang được thị trường ưa chuộng như: Ri6, Monthong, Musang King, Cái Mơn, 6 Hữu, Black Thorn. Trong đó, nhiều nhất là Monthong khoảng 600 cây, Ri6 400 cây, Musang King 100 cây…

“Nhiều người bảo chặt hết những cây sầu riêng cổ thụ đi, song tôi nhất quyết giữ lại để khu vườn thêm phần đa dạng. Hơn nữa, đó cũng là những cây sầu riêng gắn bó với gia đình từ thuở khởi sự tới giờ”-ông Tuấn lý giải.

Làm nông nghiệp sạch bằng sự tử tế

Với gần 2.000 cây sầu riêng, phần lớn đang cho quả, Sport Farm không chỉ gây ấn tượng với số lượng chủng loại cây trồng mà còn bởi chất lượng thơm ngon. Năm nay, năng suất vườn cây đạt 50-60 tấn, doanh thu khoảng 4 tỷ đồng. Đến năm 2025, sản lượng sầu riêng của Sport Farm ước tính đạt 90-100 tấn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Minh Cảnh-Quản lý Sport Farm-cho hay: Chúng tôi quan niệm làm nông nghiệp sạch không chỉ là sự tử tế với người tiêu dùng mà còn với chính bản thân và sản phẩm do mình tạo ra. Vậy nên, toàn bộ sầu riêng tại Farm đều được trồng hoàn toàn theo hướng hữu cơ với những công thức dinh dưỡng sáng tạo song vô cùng nghiêm ngặt.

Farm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học hay chất kích thích tăng trưởng… mà thay vào đó tận dụng các chất thải nông nghiệp kết hợp tạo ra chế phẩm sinh học chứa các lợi khuẩn bản địa để chăm bón cho cây trồng.

Ông Đinh Minh Cảnh-Quản lý Sport Farm giới thiệu về các loại phân bón hữu cơ do trang trại tự ủ. Ảnh: M.T

Ông Đinh Minh Cảnh-Quản lý Sport Farm giới thiệu về các loại phân bón hữu cơ do trang trại tự ủ. Ảnh: M.T

Mỗi năm, Sport Farm ủ hơn 10 thùng phuy đạm bánh dầu, phân chim yến và cá với các chế phẩm được nhập từ Đức để tạo ra đạm hữu cơ bón cho cây. Bên cạnh đó, trang trại còn sử dụng phân gà để bổ sung kali cho cây và chế tạo dung dịch thuốc trừ sâu từ hỗn hợp thảo mộc như quế, sả… Chưa kể, cứ 3 tháng/lần, chủ trang trại lại thuê người đến kiểm nghiệm tất cả chỉ số trong đất, nguồn nước… để có giải pháp điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

“Việc canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư cao và cần bỏ nhiều công sức, thời gian chăm sóc hơn so với phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, sử dụng phân bón vi sinh sẽ giúp cho trái sầu riêng giữ được hương thơm tự nhiên lâu hơn và cơm sầu riêng cũng ngon hơn. Cùng với đó, thuốc trừ sâu thảo mộc sẽ giúp cải thiện dinh dưỡng cho cây, không gây hại cho môi trường sống”-ông Cảnh thông tin.

Nhờ phương pháp canh tác bền vững này mà trang trại luôn cho ra những quả sầu riêng sạch, thơm ngon và an toàn với sức khỏe của người tiêu dùng. Có lẽ vì thế, sầu riêng của Sport Farm luôn được các đại lý gần xa thu mua với giá trung bình 85.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường khoảng 5.000 đồng/kg.

Sầu riêng tại Sport Farm được thương lái thu mua với giá 85.000 đồng/kg, nhỉnh hơn 5.000 đồng/kg so với giá thị trường. Ảnh: Lạc Hà

Sầu riêng tại Sport Farm được thương lái thu mua với giá 85.000 đồng/kg, nhỉnh hơn 5.000 đồng/kg so với giá thị trường. Ảnh: Lạc Hà

Anh Trần Anh Như (đại lý thu mua sầu riêng cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) chia sẻ: “Năm nay, chúng tôi thu mua khoảng 25 tấn sầu riêng của Sport Farm. Phần lớn sầu riêng ở đây nặng 3-4 kg/quả, thậm chí có quả nặng 5 kg. Vỏ sầu mỏng, phần cơm dày, rất thơm ngon. Theo kinh nghiệm của tôi, sầu riêng của Sport Farm hoàn toàn đủ chuẩn để xuất khẩu sang châu Âu và Trung Quốc”.

Sport Farm không chỉ là nơi để chủ nhân của nó thỏa giấc mơ làm nông nghiệp sạch mà còn tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Anh Ksor Ách (làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) là Tổ trưởng Tổ nhân công tại Sport Farm.

Anh chia sẻ: “Tổ nhân công làm việc thường xuyên tại trang trại gồm 10 người, trong đó có 5 người ở làng Bui, còn lại là từ nơi khác. Mỗi ngày, chúng tôi làm việc từ 7 giờ đến 17 giờ. Khi thì cắt cỏ, bón phân, tỉa cành, tới mùa thu hoạch thì đi hái quả. Nhờ công việc này mà chúng tôi có thu nhập ổn định”.

*

Những quả sầu riêng với đa dạng chủng loại của Sport Farm đã đảm bảo đúng tiêu chí sạch-ngon-an toàn mà lão nông Phạm Văn Tuấn đã đặt ra. Tin rằng, trên hành trình theo thương lái đến với muôn nơi, sầu riêng Sport Farm sẽ từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường và trong lòng người từng thưởng thức như chính sự kỳ vọng từ chủ nhân của chúng.

Có thể bạn quan tâm