Kinh tế

Nông nghiệp

Tái tạo nguồn lợi thủy sản ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc thả cá phóng sinh xuống ao hồ tự nhiên, hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai được các cấp, các ngành triển khai thường xuyên nhằm góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản và làm sạch nguồn nước.
Tỉnh Gia Lai có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Hiện tổng diện tích mặt nước để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 14.000 ha, gồm các hệ thống sông, suối, hồ chứa thủy lợi, thủy điện và những ao, hồ của người dân. Các loại cá nuôi và khai thác tương đối đa dạng và một số loài cá có giá trị kinh tế cao. Hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu diễn ra ở các hồ chứa và sông, suối. Song do việc khai thác thủy sản quá mức đã ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng, sản lượng, thậm chí nhiều loài thủy sản có nguy cơ bị hủy diệt.
 Thả cá giống tại hồ Ka Nak (huyện Kbang). Ảnh: L.N
Thả cá giống tại hồ Ka Nak (huyện Kbang). Ảnh: L.N
Để tái tạo nguồn lợi thủy sản, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, ngày 8-8, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Tổng cục Thủy sản và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã tiến hành thả hơn 85 ngàn con cá giống xuống hồ Ka Nak (huyện Kbang, Gia Lai). Các loại cá giống được thả gồm: cá lăng nha, thác lác cườm, trắm cỏ, trôi, mè, rô phi. Ông Trần Viên (thị trấn Kbang, huyện Kbang) cho hay: “Việc thả cá xuống các hồ thủy điện, thủy lợi có ý nghĩa rất tốt, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản. Nhưng theo tôi, chính quyền địa phương cũng cần có giải pháp bảo vệ, quản lý tốt các loại cá mới thả và có những quy định cấm đánh bắt cá nhỏ, đánh bắt cá bằng xung điện…”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 940 ha, tổng diện tích khai thác thủy sản khoảng 12.500 ha, sản lượng thủy sản đạt 1.350 tấn. Việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu phát triển theo quy mô hộ gia đình với diện tích ao, hồ trung bình 1.000-1.500 m2. Từ năm 2013 đến 2018, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương triển khai tập huấn, tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản cho gần 300 lượt người dân. Ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Việc thả cá phóng sinh góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, việc làm này còn góp phần giúp cộng đồng dân cư, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có thêm nghề đánh bắt thủy sản trên các lòng hồ thủy điện. “Trong 5 năm qua, chúng tôi đã thực hiện 14 đợt thả cá giống với số lượng gần 1 triệu con. Trong những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh sẽ tiếp tục duy trì việc thả cá giống gắn với thả cá giống phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản”-ông Trương Phước Anh cho biết thêm.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình-Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển Nguồn lợi Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), thả cá giống là một trong những biện pháp cơ bản để phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản đang có nguy cơ bị suy giảm, tuyệt chủng mà nguyên nhân chủ yếu là do khai thác quá mức. Trong thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, dự án đầu tư kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu, nhân nuôi các giống thủy sản có giá trị kinh tế, quý hiếm để phục vụ cho công tác thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản…
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm