Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Tấm lòng nữ cán bộ Đoàn vùng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thân hình nhỏ nhắn, mái tóc tém cá tính, nhưng có lẽ gây ấn tượng nhất là nụ cười hiền hậu của nữ cán bộ Đoàn Nguyễn Thủy Tiên (34 tuổi, dân tộc Thái) - bí thư Thành đoàn Lai Châu (tỉnh Lai Châu).

Suốt 3 năm qua, Nguyễn Thủy Tiên cùng anh em cán bộ Đoàn đã hỗ trợ, chăm sóc 24 em nhỏ con em đồng bào dân tộc ở TP Lai Châu - Ảnh: NGỌC MAI



Một lần đi cơ sở nhìn thấy ngôi nhà biệt lập trên đồi, Tiên cùng anh em cán bộ Đoàn chứng kiến bốn em nhỏ người Mông không mẹ thay nhau húp lấy húp để bát cơm nát pha loãng với muối.

Xót xa trước tình cảnh đó, Thành đoàn Lai Châu quyết định nhận nuôi các em và vận động xuống núi sống tập trung ở bản để tiện việc chăm sóc

Nhân lên tình thương

Hơn 3 năm qua, chị Tiên cùng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn đã nhận nuôi, hỗ trợ 24 em nhỏ dân tộc mồ côi, vận động xây nhà tình thương cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Một tối đi sinh hoạt chi đoàn ở bản Gia Khâu 1, xã Nậm Loỏng, TP Lai Châu, Tiên nhìn thấy một ngôi nhà biệt lập ở trên đồi. Tò mò bước vào, chị nhìn thấy bốn đứa trẻ đang thay nhau húp lấy húp để bát cơm pha loãng nước. Mẹ bỏ đi, bố thường xuyên say rượu, những đứa trẻ cứ thế lớn lên như cái cây trên rừng, như bắp trên rẫy.

"Thương các em còn nhỏ mà phải khổ cực, chúng tôi làm việc với Đảng ủy xã xin vận động gia đình các em xuống núi, ở tập trung cùng bà con dân bản để chúng tôi chăm sóc. Phong tục tập quán của đồng bào Mông rất khó, phải vận động, làm việc với nhà trường về các khoản chi, khoản ăn uống cho các em duy trì học tập" - chị Tiên nhớ lại.

Đó là bốn đứa trẻ đầu tiên được chị Tiên cùng anh em cán bộ Đoàn nhận nuôi, hỗ trợ chăm sóc theo mô hình "em nuôi".

Đối tượng hướng đến là những em nhỏ mồ côi cha mẹ, những đứa trẻ bị bỏ rơi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố. 100% các trẻ được nhận nuôi là con em dân tộc. Mỗi "em nuôi" sẽ được nhận 200.000 đồng và 5kg gạo hằng tháng.

Mỗi tháng, anh em cán bộ Đoàn còn thay nhau xuống từng nhà kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em, hỗ trợ làm sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế.

Sau hơn 3 năm triển khai, hiện nay mô hình "em nuôi" hỗ trợ, chăm sóc 24 em nhỏ con em đồng bào dân tộc, xây ba nhà tình thương cho trẻ.

Đợt dịch vừa rồi, chị Tiên cùng anh em Đoàn tìm đến trường hợp của ba anh em Liều A Xô mồ côi ở xã Sùng Phài, nhà cửa dột nát, đến cả giường nằm cũng không có.

Chị quyết định xin ý kiến tổ chức đêm nhạc gây quỹ, tổ chức trận bóng đá giao hữu để vận động kinh phí xây nhà cho anh em Xô. Tổng số tiền thu được sau hai hoạt động này là 60 triệu đồng, nay đã khởi công xây dựng nhà và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 7.

Vận động người có uy tín

Khó nhất là hầu như mỗi lần xuống bản vận động đều vào ban đêm, khi bà con trên nương trên rẫy về lại nhà.

"Mình người Thái, hầu hết bà con là dân tộc Mông, có những đứa trẻ không biết tiếng phổ thông, mình phải tìm đến thanh niên dân tộc là bí thư chi đoàn, tranh thủ tìm đến những người có uy tín, có tiếng nói trong bản để cho bà con hiểu được lòng tốt của mình. Vận động được rồi nhưng bà con không tự làm đâu, đoàn viên, thanh niên phải giúp đỡ, vận chuyển, dỡ nhà, dựng nhà cho bà con" - chị Tiên nhớ lại.

Khó nữa là vận động nguồn lực. Ngôi nhà tình thương đầu tiên được dựng lên nhờ sự đóng góp của đoàn viên, thanh niên địa phương, mỗi người 80.000 đồng để xây lên ngôi nhà 70 triệu đồng. Ngôi nhà hoàn thành, tạo được niềm tin cho những người xung quanh.

Nhờ thế những ngôi nhà sau, Tiên vận động các mối quan hệ quen biết, vận động từ bạn bè, đoàn viên, thanh niên trong và ngoài tỉnh.

Chị quả quyết: "Mọi người ủng hộ, có tiền mình lại làm".

Trong quá trình thực hiện, chị Tiên cho biết phải công khai chi tiết vấn đề vận động xã hội hóa, công khai việc tiếp nhận nguồn lực vận động được trên fanpage của Thành đoàn để tạo niềm tin, cho đến việc lên dự toán kinh phí ngôi nhà hay mời chính quyền địa phương vào cuộc cùng với anh em cán bộ Đoàn để tạo niềm tin nhân dân.

Không dừng lại ở mô hình "em nuôi", từ chủ trương của thành phố là chuyển đổi mô hình nông nghiệp trồng cây mắc ca, chị vận động bà con nhân dân, đoàn viên, thanh niên đăng ký trồng cây. Từ năm 2017 đến nay, Thành đoàn đã vận động trồng được gần 6.000 cây mắc ca, đồng thời hỗ trợ bà con trồng cây, cải tạo khuôn viên trồng cho xanh - sạch - đẹp.

Ba năm công tác tại Thành đoàn Lai Châu, nữ bí thư người dân tộc Thái gây ấn tượng nhiều nhất bởi "máu" tình nguyện vì cộng đồng, thực hiện an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm đến đối tượng thiếu nhi, đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là con em đồng bào dân tộc.

"Tôi học Bác ở tinh thần "Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách", làm những việc thiết thực giúp đoàn viên, thanh niên. Ngoài các phong trào, phải đi sâu vào dân, tiếp cận các hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ.

Trung ương Đoàn phát triển những chương trình rất cụ thể, có tên của từng phong trào, từng chương trình, việc của mình là cụ thể hóa bằng công việc thiết thực. Mỗi lần làm đều cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc bởi mình có thể định hướng, lôi kéo thanh niên làm việc tốt, sống tích cực, sống vì cộng đồng nhiều hơn" - chị Nguyễn Thủy Tiên tâm niệm.


Năm 2019, chị Nguyễn Thủy Tiên nhận bằng khen của Trung ương Đoàn vì đã có thành tích trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Năm 2020 chị nhận giải thưởng Lý Tự Trọng và đạt danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" toàn quốc.

Mới đây, đơn vị Thành đoàn Lai Châu còn xác lập kỷ lục là đơn vị xếp logo Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam với số lượng hội viên, thanh niên tham gia đông nhất trên cả nước trong hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" năm 2019.


Theo HÀ THANH (TTO)

Có thể bạn quan tâm