Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tan hoang khi lũ dữ đi qua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hai ngày sau vụ vỡ đê quây Thủy điện Ia Krêl 2, hàng trăm ha hoa màu của các hộ dân làng Ó, Mook Đen, làng Bi vẫn còn ngập trong nước, nhiều nơi vẫn còn bị nước cô lập. Cuộc sống vốn đã khó nay lại chồng thêm khó, thành quả lao động trong nhiều tháng qua của các hộ dân đứng trước nguy cơ mất trắng, cái đói đang hiển hiện trước mắt…

Dân lại kêu trời vì thủy điện
 

Nhiều diện tích, cây mì bị bật gốc nằm la liệt. Ảnh: Minh Nguyễn
Nhiều diện tích cây mì bị bật gốc nằm la liệt. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo ghi nhận của P.V khi có mặt tại vùng hạ du của Thủy điện Ia Krêl 2, xã Ia Dom, Đức Cơ, hàng trăm ha mì, cao su và chòi rẫy của dân bị nước lũ tàn phá tan hoang. Những gốc cây mì bật gốc nằm la liệt; những hàng cao su ngã rạp; nhiều nền nhà chỉ còn lại những hố cột minh chứng cho sự tồn tại của ngôi nhà.

So với sự cố vỡ đập lần đầu vào tháng 6-2013, thiệt hại lần này được cho là trầm trọng hơn. Anh Lê Đôn Huỳnh-trú tại làng Ó-vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Khoảng 8 giờ sáng, nhìn dòng nước đỏ ngòm, cuồn cuộn đổ về, kèm theo đó là tiếng nước đổ về ầm ầm, chúng tôi vội chạy lên đồi cao tránh lũ. Chỉ trong tích tắc, gần 2 ha mì của gia đình tôi cũng bị nước cuốn ngã, trốc gốc”. Trong khi đó, ông Kuih Bin-trú ở làng Ó-chỉ biết kêu trời khi nhìn 4 ha mì bị dòng nước hung hãn làm đổ rạp, bật gốc: “Năm ngoái, rẫy mì của mình cũng bị lũ cuốn nhưng nhận đền bù chỉ một ít, năm nay mới làm xong cỏ lần đầu lại bị nước cuốn đi hết. Sắp đến, gia đình biết lấy gì để ăn?”. Ngoài ra, rẫy mì, gạo, thức ăn cùng căn chòi lá canh rẫy của già Bin cũng bị nước cuốn trôi đi mất.

 

Tìm lại được chiếc máy cày sau khi bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: Minh Nguyễn
Tìm lại được chiếc máy cày sau khi bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: Minh Nguyễn

Tương tự, gia đình anh Rơ Lan Nir từ làng Song Le, xã Ia K’La sang làng Ó làm rẫy cũng không tránh khỏi tai họa. Anh Nir kể: “Năm ngoái, rẫy mì của mình cũng bị lũ cuốn, năm nay, 4 ha mì cũng không còn gì khi bị nước cuốn gần hết”. Còn anh Rơ Lan Quy thì mừng rỡ khi vừa tìm được chiếc xe máy cày bị nước lũ cuốn trôi tại khu vực gần suối Đôi.

Thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ lần này thuộc về Công ty 72 (Binh đoàn 15). Theo Đại tá Phạm Văn Giang-Giám đốc Công ty 72, chỉ riêng Đội 20 đã bị thiệt hại 65 ha cao su năm thứ 4. Trong đó, 30 ha bị hư hại hoàn toàn, không có khả năng khôi phục.

Nhiều hộ dân vẫn còn bị chia cắt

 

Nhiều hộ dân không có điện do cột điện bị ngã đổ. Ảnh: Minh Nguyễn
Nhiều hộ dân không có điện do cột điện bị ngã đổ. Ảnh: Minh Nguyễn

Trao đổi với P.V, ông Ngô Hữu Thiện-Chủ tịch UBND xã Ia Dom-cho biết: “Mới chỉ thống kê đến cuối giờ chiều 2-8, nhưng con số thiệt hại do vỡ đập Ia Krêl 2 lần hai đã gây thiệt hại cho 179 hộ dân. Thiệt hại về hoa màu, cây trồng là 365 ha. Trong đó, hơn 259 ha mì, 51,7 ha điều, 9,8 ha cao su, 1.690 trụ tiêu, 35,5 ha lúa… và gần 30 chòi rẫy bị nước lũ ngập, cuốn trôi làm hư hại cùng nhiều vật dụng, tài sản khác”.
 

Cách đây hơn 1 năm, Thủy điện Ia Krêl 2 vỡ gây thiệt hại nặng về  hoa màu và tài sản của 143 hộ dân. Đầu tháng 5-2014, Công ty Bảo Long Gia Lai đã xây dựng đê quây, chặn dòng bảo vệ thân đập không bị nước xoáy làm hư hoại. Nay chính đê quây này lại bị vỡ, tiếp tục gây thiệt hại cho người dân vùng hạ du của thủy điện.

Chiều cùng ngày, con đường dẫn vào Đội 20, Công ty 72, Binh đoàn 15 nước vẫn còn bao quanh. Anh Lã Mạnh Nam-Đội phó Đội 20 cho biết: Sau khi xảy ra sự cố vỡ đê quây Thủy điện Ia Krêl 2, có 40 hộ gia đình công nhân, cùng hàng chục hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số khác bị cô lập trong khu vực cầu treo làng Ó. Từ sáng 1-8, toàn bộ nguồn điện lưới ở đây đã bị cắt do nước lũ đã làm gãy đổ cột điện, đứt dây điện. Bên cạnh đó, nguồn nước giếng sinh hoạt không thể sử dụng do bị nước lũ tràn vào. “Sáng nay phía Công ty đã cho người mang gạo, mì tôm vào cứu tế cho anh em công nhân và các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn bị nước cô lập”-anh Nam chia sẻ.
 

Vợ chồng Rơ Lan Toét thất thểu dẫn con về lại làng khi chòi rẫy bị trôi theo dòng nước. Ảnh: Minh Nguyễn
Vợ chồng Rơ Lan Toét thất thểu dẫn con về lại làng khi chòi rẫy bị trôi theo dòng nước. Ảnh: Minh Nguyễn

Trước đó, ông Võ Thanh Hùng-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-đã chỉ đạo UBND xã Ia Dom thống kê thiệt hại, hộ thiếu đói để hỗ trợ ban đầu. Chiều 2-8, trả lời qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Ẩn-Phó Giám đốc Công ty Bảo Long Gia Lai cho biết đã chuẩn bị quà để đến thăm các hộ gia đình bị thiệt hại trong ngày 2-8. Tuy nhiên do phía xã Ia Dom vẫn chưa thống kê số hộ thiệt hại xong, chờ đến ngày hôm sau phía Công ty sẽ trực tiếp đến thăm, tặng quà hỗ trợ ban đầu đối với các hộ dân bị thiệt hại.

Minh Nguyễn

Sáng ngày 3.8, Bộ Xây dựng đã gửi văn bản đề nghị thanh tra chất lượng công trình xây dựng thủy điện Ia Krel 2 sau vụ vỡ đập lần thứ 2 vào mờ sáng ngày 1.8. Theo Bộ Xây dựng, việc đập thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai) bị vỡ tại đúng vị trí cũ là rất nghiêm trọng. Trong văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị UBND tỉnh Gia Lai giao cho Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thanh tra, xác định nguyên nhân vỡ đập thủy điện Ia Krel 2. Đồng thời, xác định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan.

Có thể bạn quan tâm