Nhiều vụ khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ vài năm trở lại đây đã được phát hiện, xử lý. Và phải khai thác khoáng sản thế nào để vừa phát triển kinh tế- xã hội, lại hạn chế việc xâm hại môi trường vẫn còn là câu chuyện dài hơi.
Những tranh luận, góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản là vấn đề nóng trong những ngày qua ở nghị trường Quốc hội. Nhiều đại biểu bày tỏ sự bức xúc trước nạn khai thác tràn lan khoáng sản. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nói rằng, vai trò địa phương cần phải được nâng cao trong quá trình giám sát các hoạt động như thăm dò, khai thác… để: “Tránh tình trạng trong giai đoạn thăm dò đã khai thác ồ ạt, dân và chính quyền cơ sở phát hiện thấy mà không làm gì được”.
Cơ sở chế biến đá xây dựng ở huyện Đức Cơ (Gia Lai). Ảnh: Đức Thụy |
Toàn tỉnh có trên 60 doanh nghiệp được cấp phép khai thác. Qua kiểm tra của đoàn liên ngành đã phát hiện 11 doanh nghiệp chưa chấp hành việc đăng ký bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác. Trong một đợt giám sát về quản lý, khai thác khoáng sản của Hội đồng Nhân dân tỉnh năm 2009, ông Bùi Khắc Quang-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh từng phát biểu: Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản hiện nay còn lỏng lẻo, làm thất thoát nguồn thu và xâm hại môi trường. Chúng ta cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để quản lý tốt lĩnh vực này.
Gần đây nhất là vụ khai thác đá trái phép ở địa bàn xã Hbông (huyện Chư Sê) do Phòng Cảnh sát Môi trường- Công an tỉnh phát hiện. Tang vật là 4 phương tiện máy móc phục vụ khai thác, chuyên chở và hàng trăm mét khối đá. Hay trước đó chưa lâu, trên địa bàn huyện Kông Chro cũng phát hiện, xử lý hàng chục vụ khai thác, vận chuyển đá trái phép ra khỏi địa bàn.
Cũng trên địa bàn huyện Kông Chro, lúc cao điểm có hơn 10 doanh nghiệp, cá nhân khai thác đá. Nhưng những đóng góp của họ vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương lại khá hạn chế. Chẳng hạn tại xã Kông Yang, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp khai thác đá nhưng đóng góp của họ về vấn đề an sinh xã hội cũng chưa được là bao. Thời điểm đá được khai thác rộ nhất (năm 2008), 9 doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho địa phương 100 triệu đồng nhưng chỉ ủng hộ 80 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ cho xã làm… một cái sân. Còn đường sá của xã cũng như của huyện bị hư hại do hoạt động chuyên chở cũng chưa thấy đề cập đến. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp chỉ khai thác để bán tài nguyên thu lợi, còn việc phục hồi môi trường hầu như chưa được quan tâm đúng mức.
Chúng tôi đã có chuyến công tác ở huyện Kông Chro và tận thấy nhiều bãi đất trống. Sau khi những doanh nghiệp khai thác xong, cả vùng đất bị cày xới nham nhở, chỉ còn trơ đất lẫn đá và lưa thưa cỏ dại. Việc hoàn thổ cho những khu mỏ này xem ra chỉ là câu chuyện của tương lai. Ngoài ra, sự ủng hộ của các doanh nghiệp về an sinh xã hội cũng là điều đáng bàn.
Tại Gia Lai, ngoài tài nguyên đá còn có than bùn, bô xít, vàng… nhưng việc khai thác vẫn còn nhỏ lẻ. Tiền thu được từ hoạt động khoáng sản vẫn cực kỳ hạn chế so với nguồn thu ngân sách của tỉnh. Gần đây, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo thuộc cấp không cho phép xuất thô khoáng sản ra khỏi địa bàn tỉnh. Đây là động thái chấn chỉnh việc khai thác khoáng sản được bài bản hơn và đặc biệt là tạo thêm điều kiện công ăn việc làm cho người dân, tránh gây thất thoát tài nguyên.
Thượng tá Trần Nam Đàn- Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường cho biết, vừa qua lực lượng Cảnh sát Môi trường phối hợp với các ngành chức năng khác triệt phá nạn “vàng tặc” ở 2 huyện Kông Chro và Ia Grai. Tuy nhiên, vấn nạn trên vẫn treo lơ lửng khi nhiều kẻ hám lợi vẫn rình rập, lợi dụng sự sơ hở của lực lượng chức năng để khai thác trộm tài nguyên.
Tài nguyên là vốn quý, là một trong những tiềm lực để kêu gọi đầu tư, giúp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và cả nước nói chung. Nhưng nếu không biết khai thác chừng mực hiệu quả, hài hòa trong việc bảo vệ môi trường thì chẳng còn gì để dành cho con cháu đời sau…
Trần Hiếu