(GLO)- Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 27 diễn ra ở TP. Đà Nẵng vừa xướng lên những cái tên xứng đáng được tôn vinh. Từ sự kiện này, mỹ thuật Gia Lai thêm một lần khẳng định dấu ấn riêng nhờ tinh thần sáng tạo nghiêm túc của từng cá nhân cũng như tính kế thừa mạnh mẽ của các thế hệ.
Diễn ra từ ngày 12-8 đến hết ngày 5-9-2022, Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 27 giới thiệu đến công chúng 167 tác phẩm hội họa, điêu khắc của 156 tác giả. Chi hội Mỹ thuật Gia Lai có 27 tác phẩm của 22 tác giả được chọn trưng bày. Tại triển lãm, Hội đồng Mỹ thuật Trung ương đã trao giấy chứng nhận cho các tác giả có tác phẩm đạt giải, gồm: 1 giải A, 1 giải B, 1 giải C và 7 giải khuyến khích. Trong đó, tác phẩm “Học online” của họa sĩ Nguyễn Văn Chung (Gia Lai) đạt giải C. Ngoài ra, Gia Lai còn có 2 tác giả có tác phẩm được chọn giới thiệu tham dự Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam gồm: “No cỏ” (họa sĩ Mai Thị Kim Uyên) và “Được mùa” (họa sĩ Bùi Văn Viễn).
Tây Nguyên vẫn là đề tài thủy chung của các tác giả đã gắn mình với những nắng mưa, buồn vui trên mảnh đất này. Đó cũng chính là điều làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm mỹ thuật Gia Lai. Song, bước đi như thế nào trên con đường đã in đậm dấu chân mở đường của người đi trước thì không phải là điều dễ dàng. Cùng nhìn ngắm những tác phẩm đạt giải và được giới thiệu dự giải ở những sân chơi lớn hơn, có thể nhận ra sự ghi nhận của Hội đồng Mỹ thuật Trung ương đối với các tác giả đang nỗ lực vượt thoát để tạo dấu ấn riêng. Họ phác họa Tây Nguyên bằng một góc nhìn khác: một Tây Nguyên bản sắc song cũng rất mới mẻ, đời thường với khả năng thích nghi uyển chuyển trước những biến động.
Tác phẩm “Học online” của họa sĩ Nguyễn Văn Chung là một ví dụ. Được hoàn thiện trên chất liệu khắc gỗ (kích thước 122 x 172 cm) bằng kỹ thuật chắc tay, đường nét sắc sảo, bức tranh có nhân vật trung tâm là một cô trò nhỏ đang cắm cúi ngồi học online bên chiếc máy tính bảng. Từ bậu cửa, bà, mẹ và các em trìu mến dõi nhìn. Chân thật và mộc mạc như chính những gì diễn ra ở các buôn làng khi cơn bão Covid-19 quét ngang. Họa sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: Là một giáo viên Mỹ thuật, ngay khi tham gia dạy học trực tuyến, anh đã ấp ủ suy nghĩ sẽ sáng tác về đề tài những em nhỏ Tây Nguyên vượt khó học tập trong mùa dịch. Và rồi ý tưởng ấy thêm nung nấu khi bắt gặp những hình ảnh vô cùng xúc động trên sóng truyền hình về các em nhỏ vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên tích cực học trực tuyến dù gặp rất nhiều khó khăn về trang-thiết bị, mạng internet…
Lễ hội Tây Nguyên luôn là chủ đề có sức hút mạnh mẽ với công chúng thưởng lãm và họa sĩ Bùi Văn Viễn đã không bỏ qua điều đó. Sử dụng chất liệu khắc gỗ màu cùng những điểm nhấn hợp lý, anh đã ghi điểm với tác phẩm “Được mùa” (kích thước 80 x 100 cm). Sắc màu lễ hội trong tranh anh được thể hiện chủ yếu bằng những gam trầm, tạo cảm giác gần gũi, hoang mộc đúng chất chứ không bị đẩy lên bởi cách lựa chọn màu vẽ rực rỡ thái quá, đến mức diêm dúa. Trong khi đó, ngắm bức “No cỏ” (chất liệu sơn mài, kích thước 60 x 120 cm) của họa sĩ Mai Thị Kim Uyên, ta nhận ra sức dẫn dụ từ những góc nhìn đời thường. Một đàn bò bụng căng tròn thủng thẳng trở về trong một chiều cao nguyên bảng lảng, trầm mặc, hư ảo mang đến những mỹ cảm không ngờ, khó diễn tả.
Vừa trở về từ Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 27, Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai-nhận định: Việc Hội đồng Mỹ thuật Trung ương chỉ chọn 10/167 tác phẩm trưng bày để trao giải, trong đó, các giải A, B, C chỉ có 1 giải duy nhất chứng tỏ sự cân nhắc kỹ lưỡng, nghiêm túc trong nhìn nhận, đánh giá. Vì vậy, dù chỉ đạt giải C nhưng đây vẫn là niềm tự hào của Gia Lai. Trước đó, tại triển lãm khu vực lần thứ 25, họa sĩ Nguyễn Văn Chung cũng là người giành giải A duy nhất với tác phẩm “Phòng dịch vùng cao”.
Họa sĩ Mai Quý Ngọc-Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật tỉnh-nhớ lại: Khoảng 10 năm trước, Gia Lai còn “thua chị kém em” khi tham gia triển lãm khu vực. Nhưng 5 năm trở lại đây, mỹ thuật Gia Lai có những bứt phá mạnh mẽ. Nhiều nhân tố tích cực đã gây dựng phong trào rất tốt, chất lượng tác phẩm ngày càng nâng lên. Không chỉ trong khu vực, tại những sân chơi lớn, có tính cạnh tranh cao hơn như Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Triển lãm mỹ thuật toàn quốc…, các tác giả Gia Lai đang dần khẳng định nội lực, duy trì được sức bền trong lao động sáng tạo.
Sau thành công của triển lãm tranh cá nhân với chủ đề “Dạ khúc tự tình” của họa sĩ Lê Hùng nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh, nhiều tác giả chuyên ngành Mỹ thuật tại Gia Lai càng có thêm hứng khởi trên con đường lao động nghệ thuật. Ngày 6-12 tới đây, các nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu, Mai Thị Kim Uyên và nhà điêu khắc Nguyễn Vinh sẽ có cuộc hội ngộ thú vị với 2 họa sĩ Bùi Văn Quang (Khánh Hòa) và Lê Vấn (Đak Lak) trong một triển lãm nhóm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Với chủ đề “Gọi bình yên về”, triển lãm kỳ vọng mang đến cho công chúng những cảm nhận về sự bình yên nội tại-điều mà không ít người đang loay hoay kiếm tìm.
Phong trào ngày càng lớn mạnh ấy đã tiếp thêm động lực để mỗi nghệ sĩ không ngừng vươn lên bằng những quan niệm nghệ thuật sâu sắc, với sự thôi thúc, quyết liệt. Trao đổi cùng chúng tôi, họa sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: “Người nghệ sĩ không thể vô tâm, thờ ơ mà phải có trách nhiệm trước những vấn đề cấp bách đang được xã hội quan tâm. Phải có tiếng nói, thông điệp giàu tính nhân văn và giáo dục xã hội thông qua tác phẩm của mình. Làm được điều này thì mới là một nghệ sĩ đích thực, chân chính chứ không phải lúc nào cũng suy nghĩ phải làm gì để có được tác phẩm đèm đẹp phục vụ cho mục đích kinh tế, thị trường. Nhiều người bảo rằng tôi thường vẽ về các đề tài thời sự để “săn giải”. Tự ái lắm chứ, nhưng tôi chỉ mỉm cười. Đơn giản vì mình là một nghệ sĩ và là một nhà giáo, phải luôn đổi mới tư duy sáng tạo để không lặp lại ý tưởng, đề tài của người khác. Phải có ý thức làm mới tác phẩm, đặc biệt phải luôn có trách nhiệm với đời, với người, với mảnh đất Tây Nguyên nơi mình sinh sống”.