Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Tết Độc lập: Khát vọng đổi thay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định với thế giới tư thế đĩnh đạc của một đất nước Việt Nam độc lập, dân tộc Việt Nam tự do. Khát vọng độc lập, tự do đã thôi thúc hàng triệu con người đứng lên như biển dâng sóng trào, nhấn chìm chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nhà nước của dân, do dân và vì dân. Ngày Quốc khánh là dịp để mỗi công dân tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc; cũng là dịp để nhân lên khát vọng đổi thay, chinh phục mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam tự chủ, tự cường, sánh vai cùng thế giới.   

 

Bác Hồ và Đoàn Chủ tịch chào đón các đoàn đi qua lễ đài trong lễ duyệt binh chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày Quốc khánh (2-9-1955) trên Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã xô đổ hoàn toàn chế độ thực dân, phong kiến, chấm dứt đêm dài nô lệ gần 100 năm dưới ách thống trị của ngoại bang, để dân tộc Việt Nam “rũ bùn đứng dậy” làm dân một nước Việt Nam độc lập. Quốc khánh là mốc son trọng đại, đặt tiền đề cho một quốc gia độc lập, mỗi công dân Việt Nam mới đứng trước ngưỡng cửa dân chủ, mới tiếp nhận những tiền đề cho con người tự do. Những điều này được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp Việt Nam năm 1946 và trở thành mục tiêu xuyên suốt 2 cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm.

Cả đời cống hiến cho dân, cho nước, mong ước lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Hạnh phúc là gì, nếu con người không có được những nhu cầu tối thiểu và cốt lõi ấy. Nên có lần Người đã nói: “Dân chưa hạnh phúc, thì độc lập, tự do cũng chẳng có ý nghĩa gì!”. Mà muốn Nhân dân có hạnh phúc thì cán bộ phải thực sự là “nô bộc” của Nhân dân, chứ không phải là các “ông quan cách mạng”!

Biến lòng tự tôn dân tộc thành nguồn lực để dựng xây đất nước là tư tưởng phát triển tiến bộ, là nghệ thuật lãnh đạo của người cầm lái con thuyền cách mạng. Vì tư tưởng dân chủ tiến bộ ấy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập một Chính phủ có trí tuệ nhất, đại diện nhất cho các giới, các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh năm 1945, với 95% dân số mù chữ và vừa thoát khỏi nạn đói thì việc làm này là một kỳ tích.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ý thức rằng muốn xã hội phát triển thì người dân phải được tự do bày tỏ nguyện vọng của mình, được sáng tạo và cống hiến cho đất nước, dân tộc mình. Chỉ có phát huy dân chủ thì mới huy động được sức sáng tạo, huy động được sức mạnh toàn xã hội, đặc biệt là các nguồn lực và con người cho sự phát triển đất nước. Thực tế cho thấy, nơi đâu, lúc nào xa rời tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ, không lắng nghe tiếng nói xây dựng, phê bình của người dân đều dẫn đến trì trệ, suy thoái. Những thành quả quan trọng và có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới giúp Việt Nam thoát khỏi tình trạng một nước lạc hậu, kém phát triển, trở thành một nước phát triển trung bình là minh chứng cho điều này. Biết tìm tòi, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở để từng bước thay đổi cơ chế, chính sách, đổi mới tư duy về kinh tế, giải phóng nguồn lực, huy động sức dân cho phát triển. Những kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo giúp đất nước ta phát triển nhanh, bền vững, được quốc tế ghi nhận là điểm sáng phát triển của khu vực.

Người xưa từng nói, lấy gương soi mình thì có thể sửa được đầu tóc, trang phục. Nhưng lấy lịch sử để soi mình thì có thể học được những bài học lớn cho sự phát triển. Cái mới nhiều khi chính là cái đúng đã bị che khuất hoặc lãng quên trong quá khứ được khôi phục và tái xuất hiện. Thành công của sự nghiệp đổi mới chính là thành công của việc trở lại với những giá trị đích thực được quy định trong Hiến pháp năm 1946, mà cơ bản là quyền tự do kinh doanh được nâng lên và vận dụng phù hợp với thời đại ngày nay, góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là dịp để chúng ta nhìn lại mình, kiên trì vận dụng những tư tưởng phát triển tiến bộ và đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở thực hiện khát vọng độc lập, tự do. Không chỉ là thực hiện “khát vọng mùa thu” một cách trọn vẹn, những gì diễn ra mà mỗi chúng ta đã tham gia, đã chứng kiến, cho thấy khát vọng của Việt Nam vẫn còn ở phía trước.

Không ngừng khao khát, không ngừng ước mơ và không ngừng tìm kiếm những cơ hội mới, hiểu biết mới, liên kết mới, Việt Nam chủ động làm bạn với thế giới nhưng vẫn giữ được mình, vẫn là chính mình trong phong thái con người tự do và độc lập.

Tinh thần ngày Quốc khánh cùng với tâm thế chủ động thích ứng, vượt lên để phục hồi, phát triển đất nước sau đại dịch luôn là mục tiêu mà cả gần 100 triệu dân Việt Nam đang hướng tới.

 

ĐÌNH CƯƠNG 

 

Có thể bạn quan tâm