(GLO)- Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, kinh tế-xã hội phục hồi và phát triển. Đó là thành tựu chung thể hiện sự đúng đắn, kịp thời trong đường lối, quyết sách của Đảng, Chính phủ, vừa là kết quả của sự nỗ lực, năng động, thích ứng từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Mặc dù được thế giới đánh giá cao về các biện pháp phòng-chống dịch an toàn trong suốt cả năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, song đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tràn vào Việt Nam từ tháng 4 năm ngoái với biến chủng mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn đã gây thiệt hại rất lớn về tính mạng con người, tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống của người dân. Để bảo vệ tính mạng người dân trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, hàng loạt biện pháp “thắt chặt” đã được phát đi từ các Chỉ thị số 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ, “chấp nhận thiệt hại về kinh tế”, coi “chống dịch như chống giặc”, thậm chí đã thực hiện giãn cách toàn xã hội trong nhiều ngày, ở nhiều địa phương. Hàng loạt “giấy phép con” được ban hành; sản xuất bị đình trệ, lưu thông bị đứt gãy, hàng hóa không tiêu thụ được, đời sống của đại bộ phận người dân gặp muôn vàn khó khăn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp điêu đứng, nguy cơ phải giải thể, phá sản… Lần đầu tiên sau nhiều năm mở cửa nền kinh tế, chúng ta phải chấp nhận tăng trưởng âm với GDP quý III-2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với nhiều biện pháp vừa thận trọng, vừa táo bạo, sát thực tế để thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, đặt mục tiêu “đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể”.
Với sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, mạnh dạn “cởi bỏ” các quy định cứng nhắc đã ban hành trước đó, Nghị quyết số 128 của Chính phủ đã tạo ra những hiệu ứng tích cực ngay lập tức. Chúng ta đã “đi sau-về trước” trong chiến dịch tiêm phòng vắc xin Covid-19, trở thành 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất trên thế giới. Người dân và doanh nghiệp tin tưởng, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện “mục tiêu kép”: vừa chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế!
Chỉ sau hơn 2 tháng thực hiện Nghị quyết số 128, số doanh nghiệp trở lại kinh doanh tăng lên nhanh với hơn 13.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi tháng, cao hơn nhiều con số chưa đến 4.000 doanh nghiệp thành lập mới của tháng trước đó. Kinh tế Việt Nam đã “lội ngược dòng”, bật tăng trở lại, GDP quý IV-2021 tăng trưởng 5,22% so với cùng kỳ năm 2020, đưa GDP cả năm 2021 tăng trưởng 2,58%. Với kết quả đó, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trước tác động của đại dịch Covid-19.
Dù chỉ là quý cuối cùng của năm 2021, nhưng mức tăng trưởng đó đã tạo đà cho kinh tế đất nước được vực dậy mạnh mẽ sau 2 năm chống dịch. GDP 9 tháng năm 2022 tăng trưởng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong suốt 12 năm qua. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Các ngành, các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh”, “Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm”.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế nhìn nhận, việc ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP không chỉ thể hiện sự sáng suốt và quả cảm của Chính phủ mà còn cả ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị với cuộc sống của người dân và vận mệnh của đất nước. Việc này cũng đồng thời khẳng định cam kết “cải cách thể chế” như là gói hỗ trợ lớn nhất giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch và yên tâm đầu tư nguồn lực cho phát triển.
Thành công sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP thể hiện đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Đồng thời cũng là sự nỗ lực, sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp. Đó là thành quả của lòng tin vào Đảng, Nhà nước và tinh thần quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị. Không chỉ phục hồi mà chúng ta còn biết tận dụng cơ hội để hoàn thiện mình, xác lập vị thế trên trường quốc tế, tiếp tục đồng hành cùng toàn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiến nhanh về phía trước.
ĐÌNH CƯƠNG