Kinh tế

Nông nghiệp

Thầy giáo thu nhập "khủng" từ trồng nho thân gỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhờ trồng nho thân gỗ nhân giống bán, mỗi năm thầy Huỳnh Công Thống, giáo viên dạy toán Trường THCS - THPT Tân Lộc (P.Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), thu nhập hơn 1 tỉ đồng.
 

 
 Thầy Thống bên vườn nho thân gỗ - Ảnh: Duy Tân
Thầy Thống bên vườn nho thân gỗ - Ảnh: Duy Tân


Gắn bó nghề dạy học nhưng thầy Thống (57 tuổi) vẫn đam mê với nông nghiệp. Ngoài giờ lên lớp, thầy miệt mài tìm tòi đặc tính các loại cây trồng mới lạ, hiệu quả kinh tế cao rồi tìm mua giống về trồng thử nghiệm.

Thầy Thống kể, năm 2012, thầy được một người bạn ở Mexico gửi trái nho về biếu. Thấy trái lạ và ăn rất ngon nên thầy xin giống về trồng và được bạn gửi tặng 200 hạt. Sau khi ươm thành cây con, thầy chọn những cây cứng cáp, khỏe mạnh vượt trội để lai tạo, từng bước thuần hóa cho cây thích nghi với thời tiết, khí hậu Việt Nam.

 

Trái nho thân gỗ mọc từ gốc đến ngọn
Trái nho thân gỗ mọc từ gốc đến ngọn


Sau nhiều năm đúc kết kinh nghiệm và miệt mài nhân giống, đến nay khu vườn rộng 5.000 m2 của thầy Thống đã phủ kín cây nho thân gỗ. Trong đó, hơn 600 cây đang cho trái, khoảng 5.000 cây trưởng thành chưa ra trái và hơn 50.000 cây giống. Đặc biệt, từ cây giống ban đầu, thầy đã lai tạo ra 20 giống nho mới như giống cho trái đỏ, trái tím, trái đen; giống lá nhỏ, trái to; giống lá to, trái thật to; hột to, hột nhỏ... Đối với cây giống thường (còn gọi là giống xưa) thì khoảng 8 - 9 năm mới cho trái. Riêng giống do thầy Thống lai tạo chỉ mất từ 2 - 3 năm là cho trái. Mỗi năm, thầy xuất bán hơn 30.000 cây giống, giá từ 30.000 - 70.000 đồng/cây và bán trái, thức uống từ nho... tổng thu nhập trên 1 tỉ đồng.

Theo thầy Thống, nho thân gỗ dễ thích nghi với mọi loại thổ nhưỡng và khí hậu tại Việt Nam. Ưu điểm của cây là dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, cho trái quanh năm. Tuy nhiên, loại cây này lại rất mẫn cảm với phân hóa học nên khi trồng thầy chỉ dùng phân hữu cơ do chính mình pha trộn, gồm bùn ao cá trộn với rễ lục bình phơi khô.

Điểm đặc biệt ở nho thân gỗ là trái mọc đơn lẻ trên thân từ gốc tới ngọn. Trái sống có màu xanh như trái sung, khi chín màu tím đậm, mọng nước, thơm, vị ngọt, hơi chua và chát. “Trái chín rất nhanh. Từ khi nở nhụy, trổ bông, rớt nhụy thì khoảng 20 ngày sau trái chín. Vì vậy, lượng trái cho thu hoạch quanh năm, việc cung cấp trái ra thị trường không bị gián đoạn và việc chế biến các loại thực phẩm cũng rất dễ dàng”, thầy Thống chia sẻ.

Hiện nay, giống nho thân gỗ rất hút hàng. Do đó, thầy Thống đang liên kết với các nhà vườn ở TP.Sa Đéc (Đồng Tháp), Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM để sản xuất cây giống. Cây giống được nhiều nhà vườn ở miền Tây và miền Trung tìm đến tận nơi đặt mua. Bên cạnh đó, thầy Thống còn quy hoạch lại khu vườn để mở điểm tham quan du lịch và sản xuất các loại thức uống từ loại nho độc đáo này.

Theo DUY TÂN (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm