Tám ngày sau khi "đánh úp" nhà đầu tư trên sàn HoSE bằng việc âm thầm bán 74,8 triệu cổ phiếu mà không báo trước dự kiến giao dịch, ngày 18-1, ông chủ Tập đoàn FLC đã nhận án phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Mức phạt 1,5 tỉ đồng được cho là kịch khung quy định hiện nay, chế tài kèm theo là khóa tài khoản giao dịch chứng khoán 5 tháng.
Nhiều người cho rằng mức phạt nói trên vẫn nhẹ so với hành vi vi phạm và mức độ thiệt hại của các nhà đầu tư, cũng như cả thị trường. Dẫu sao thì đây cũng đã là án phạt hành chính nặng nhất từ trước đến nay đối với nhà đầu tư cá nhân tại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, có hiệu quả răn đe nhất định.
Có ý kiến lo ngại: Liệu sau 5 tháng tới, ông chủ FLC có lặp lại "bài" cũ hay không, bởi cách đây không lâu đã từng bán "chui" cổ phiếu và cũng bị phạt tiền? Và, liệu những "cá mập" khác trên TTCK trông vào "án lệ" này mà biết sợ? Câu trả lời chủ yếu nằm ở các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán cùng các cơ quan pháp luật. Cụ thể hơn, những bản án hình sự tương xứng với hành vi vi phạm và mức độ gây thiệt hại thì mới đem lại hiệu quả cao nhất trong việc tạo dựng một TTCK minh bạch, lành mạnh.
Ở nhiều nước trên thế giới, chẳng hạn tại Mỹ, những hành vi tội phạm liên quan chứng khoán bị xử hình sự với mức án khá nặng. Tại Việt Nam, chẳng phải chưa từng có người bị bỏ tù vì phạm tội về chứng khoán. Hồi tháng 5-2020, TAND TP Hà Nội phạt tù 4 cá nhân về tội "Thao túng TTCK", theo điều 211 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; trong đó chủ mưu là nữ chủ tịch một công ty chứng khoán lãnh án cao nhất: 18 tháng tù giam. Các đối tượng này đã mở gần 70 tài khoản và liên tục thực hiện lệnh mua - bán chỉ 1 mã chứng khoán nhằm "thổi giá" cổ phiếu này, tạo cung - cầu ảo. Hành vi đó gây thiệt hại nhiều tỉ đồng cho khoảng 1.500 nhà đầu tư và 3 công ty chứng khoán cho vay ký quỹ.
Tuy nhiên, số trường hợp xử lý hình sự là rất hiếm hoi, trong khi vi phạm về chứng khoán có dấu hiệu tội hình sự thì xảy ra khá nhiều. Cho dù theo quy định hiện hành, các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán sẽ bị xử lý hình sự khi cơ quan chức năng chứng minh được người vi phạm thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỉ đồng trở lên; nhưng làm thế nào để chứng minh được thiệt hại cụ thể luôn là vấn đề nan giải. Các cơ quan giám sát cũng rất khó khăn trong việc phát hiện và "bắt tận tay, day tận mặt" hành vi thao túng giá cổ phiếu.
Bán "chui", thao túng... khiến TTCK méo mó, ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính. Những hiện tượng tiêu cực đó đã diễn ra từ lâu và khá nhiều, trong khi các giải pháp ngăn chặn chưa theo kịp. Đó là chưa nói đến tình trạng nghẽn lệnh thỉnh thoảng xảy ra khi lượng giao dịch tăng đột biến, đến nay chưa thể khắc phục triệt để. Các bộ, ngành hữu quan cần quyết liệt vào cuộc giải quyết để trong tương lai gần sẽ có một TTCK đủ lớn, xứng tầm và lành mạnh.
Theo A.Q (NLĐO)