Kinh tế

Nông nghiệp

Thúc đẩy các giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời gian vừa qua, các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế đóng góp của khoa học và đổi mới công nghệ trong tăng trưởng nông nghiệp vẫn còn hạn chế.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng. (Ảnh: BT)
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng. (Ảnh: BT)



Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, việc ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Trong đó, sản xuất trong nhà màng, nhà kính như đối với cây rau, doanh thu đạt từ 2,5 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 1,6 đến 4,9 tỷ đồng/ha. Đối với cây hoa, doanh thu đạt từ 0,5 tỷ đồng đến 9,9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 0,3 đến 5,4 tỷ đồng/ha. Với nuôi tôm thẻ chân trắng đã nâng cao năng suất chất lượng tôm, năng suất đạt 40 tấn/ha gấp 40 lần so với sản xuất đại trà, chi phí sản xuất giảm 30-35% so với quy trình cũ; với nuôi bò sữa, năng suất sữa đạt trên 30 lít/bò/ngày, sữa cho chất lượng tốt.

Cùng với đó, công nghệ thông tin đã và đang được ứng dụng trong sản xuất nông lâm thủy sản để quản lý các yếu tố dinh dưỡng đầu vào, quản lý yếu tố môi trường xung quanh đảm bảo phù hợp với yêu cầu của cây trồng vật nuôi. Qua đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Đặc biệt, công nghệ sinh học đã được ứng dụng trong chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, có sức chống chịu cao. Công nghệ nhân giống invitro được ứng dụng rộng rãi trong nhân giống cây lâm nghiệp, cây hoa, cây chuối… giúp giảm giá thành cây giống, tạo ra lô cây giống có độ đồng đều cao, sạch bệnh. Nhiều chế phẩm sinh học đã được nghiên cứu tạo ra và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng vật nuôi, hạn chế dịch bệnh hại, thay thế dần thuốc hoá học.

Hiện nay, đã có 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận còn hiệu lực. Trong đó, 12 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt; 19 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản; 9 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi theo Quyết định 69/2010/QĐ-TTg.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đóng góp của khoa học và đổi mới công nghệ trong tăng trưởng nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Năng suất lao động nông nghiệp còn thấp; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nông nghiệp trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư và đổi mới công nghệ; thiếu hạ tầng kết nối và hạ tầng thông tin trong nông nghiệp nông thôn. Khó tiếp cận vốn cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Nguyên nhân do kinh tế hộ với ruộng đất manh mún đã gây lực cản cho việc ứng dụng công nghệ cao (cơ giới hóa, tự động hóa) trên quy mô lớn, vì vậy hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao.

Trong tổ chức sản xuất, chưa có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào mối liên kết giữa nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao, ứng dụng. Liên kết giữa 3 nhà "khoa học - doanh nghiệp - nông dân" còn yếu và thiếu bền vững, số lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công tác nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường còn bất cập, chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của nhiều doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam, rất cần chú trọng đến việc nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản trị; nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề để cung ứng lực lượng lao động chất lượng cao. Trong đó, cần đổi mới phương pháp đào tạo nghề, tập trung vào đào tạo năng lực thực hành, tập trung vào những kỹ năng, kỹ thuật cốt lõi và các kỹ năng mềm để thích ứng và phát huy trong môi trường công nghệ hiện đại.

Cùng với đó, huy động nguồn lực tư nhân theo hình thức đối tác công - tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin gắn với các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cụm liên kết ngành và các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới công nghệ.

Đáng chú ý, cần tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng để nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong nước, trình độ thiết kế, chế tạo, ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp; thực thi các chính sách ưu đãi cho nhập khẩu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới.

Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động truyền thông khoa học công nghệ để thông tin đến thị trường các sản phẩm, thiết bị khoa học công nghệ mới, hiệu quả cao được sản xuất ở trong nước. Các viện nghiên cứu, trường đại học… cần xây dựng các kênh thông tin quảng bá rộng rãi sản phẩm của mình, kết nối để nắm bắt nhu cầu thị trường, kết nối với truyền thông để nhà khoa học gần hơn với doanh nghiệp.

Ngoài ra, mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ; chủ động thúc đẩy hình thành quan hệ đối tác công nghệ với các nước tiên tiến để tiếp cận công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường khoa học công nghệ,…

Theo ĐCSVN
 

Có thể bạn quan tâm