Thời sự - Bình luận

Tiến sĩ dạy làm giàu: Chỉ là “bán vịt giời” mà thôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến tận khi đối diện án chung thân, tiến sĩ dạy làm giàu vẫn say sưa về “dự án mạng xã hội dạy làm giàu” với tính toán “sẽ có 2 triệu thành viên, giá trị lên đến 2 tỉ USD, chắc chắn doanh nghiệp nước ngoài muốn mua lại".

Tiến sĩ dạy làm giàu trả lãi 40-50% bằng cách lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước. Ảnh: Quang Việt

Phiên toà vụ tiến sĩ dạy làm giàu đã dần đến hồi kết, với cáo buộc “lừa đảo”, với một án chung thân được cơ quan công tố đề nghị.

Theo cáo trạng, Phạm Thanh Hải thành lập và làm Chủ tịch Công ty Thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT) từ năm 2007. Theo cáo trạng, dù hoạt động đa ngành từ hỗ trợ giáo dục, tư vấn quản lý; sản xuất bán buôn bán lẻ thực phẩm, hoá chất công nghiệp và tổ chức hội nghị, hội thảo... nhưng việc kinh doanh không hề hiệu quả.

Một năm sau, ông Hải lập website hoclamgiau.vn, tổ chức các hội thảo dạy làm giàu.

Tại các buổi học này, ông Hải tự giới thiệu là tiến sĩ, có tài đầu tư, kinh doanh. Còn Công ty IDT thì đang triển khai các siêu dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây công nghiệp "tỉ đô" macca...

Từ các buổi học này, ông tiến sĩ đã đưa ra các hợp đồng vay vốn với lãi suất đến 40%, thậm chí 50% và “cắt lãi ngay khi nộp tiền”.

Chỉ trong đúng một năm, ông Hải đã huy động được hơn 2.725 tỉ đồng từ 2.574 nhà đầu tư.

Trong phiên toà, thẩm phán chủ toạ hỏi rằng: "Dựa vào đâu bị cáo trả lãi 40% - 50% cho người ta, bị cáo có kinh doanh sản xuất gì không?".

“Tiến sĩ dạy làm giàu” trả lời bằng dự án “mạng xã hội dạy làm giàu”. Theo đó, thời điểm ông Hải bị bắt, trang mạng này có hơn 700.000 thành viên. Dự kiến 1 năm sau sẽ có 2 triệu người, giá trị sẽ lên đến 2 tỉ USD, nên chắc chắn sẽ có doanh nghiệp nước ngoài muốn mua lại”.

Còn tiền trả lãi tới 40% - 50%, “tiến sĩ dạy làm giàu” thừa nhận dựa vào nguồn tiền của các nhà đầu tư tiếp theo để "đầu tư tiếp sức".

Đoạn hội thoại này cho thấy bản chất của vụ án. Vẽ vời những dự án tỉ USD, huy động vốn với lãi suất cao đến mức không tưởng; chi 2%-10% tiền “thưởng kết nối” cho người môi giới hợp đồng mới, rồi lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước.

2.725 tỉ đồng huy động, nhưng chỉ 99 tỉ đồng trong đó được đầu tư vào các dự án hoặc chỉ có lợi nhuận... 2 triệu đồng/năm, thậm chí không hề có lợi nhuận.

Pháp luật không cấm các lớp học làm giàu. Nhưng pháp luật không đùa, không cho phép tồn tại hình thức huy động vốn bất hợp pháp vào những dự án kiểu “bán vịt giời”.

Tội danh lừa đảo, vì thế, là hoàn toàn chính xác, kể cả việc các nạn nhân có hiểu mình là nạn nhân hay không.

Có thể bạn quan tâm