Kinh tế

Tìm bác sĩ cho hồ tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng chục ngàn nông dân trồng hồ tiêu cả nước lo lắng, khốn đốn và thậm chí là trắng tay khi dịch bệnh hoành hành. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức một hội nghị về hồ tiêu ở Pleiku, cùng nông dân gỡ rối vấn đề hóc búa này.

Đỏng đảnh hồ tiêu
 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Giá hồ tiêu trong năm nay lúc cao điểm đã vượt mức 200 ngàn đồng/kg và thực tế giá tiêu cao trong nhiều năm liền đã có sức hút mạnh mẽ đối với nông dân. Cùng với thực tế giá cao su đang rớt thê thảm nên người dân ồ ạt trồng hồ tiêu. Nhiều người dân sẵn sàng phá bỏ hàng trăm ha cao su để lấy đất trồng tiêu. Theo thống kê sơ bộ, tính đến tháng 9-2014, cả nước có 79 ngàn ha hồ tiêu, trong đó Tây Nguyên gần 41 ngàn ha (chiếm 51,6%), và Đông Nam bộ 31,3 ngàn ha (chiếm 39,6%). Tại nhiều địa phương trên cả nước, hồ tiêu đang vượt ngưỡng quy hoạch rất xa. Chẳng hạn ở Gia Lai, theo quy hoạch đến năm 2015 là 6.000 ha và tầm nhìn đến năm 2020 vẫn giữ ổn định với quy mô trên, nhưng hiện đã có trên 11,7 ngàn ha.

Từ đầu năm đến nay, hồ tiêu Việt Nam đã xuất đi 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt số lượng 136 ngàn tấn, giá trị hơn 1 tỷ USD. Thực tế, hồ tiêu đã và đang trở thành một trong những số ít loại cây chủ lực của Việt Nam, giúp hàng chục ngàn nông dân đổi đời. Nhưng loại cây này cũng khá đỏng đảnh với hàng chục ngàn ha bị bệnh, bị chết mỗi năm. Vấn nạn này đã đẩy không ít nông dân vào cảnh trắng tay, bại sản. Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, dịch hại trên hồ tiêu ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng hại rễ… diễn ra khá phổ biến ở các vùng trồng tiêu trên cả nước.

Để phòng trừ bệnh, nông dân đã sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học dẫn đến suy thoái đất trồng, tiêu diệt luôn tập đoàn vi sinh vật có ích trong đất, gây ô nhiễm môi trường. Trái lại, hiệu quả quản lý dịch hại và hiệu quả kinh tế không cao. Và nghiêm trọng hơn, việc sử dụng thuốc tràn lan khiến một số mẫu hồ tiêu Việt Nam không đạt chất lượng. Cụ thể, năm 2013, EU đã cảnh báo 2 trường hợp hồ tiêu Việt Nam nhiễm vi sinh vật; phòng thí nghiệm của Đức phát hiện dư lượng của 5 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Rah Lan Ke-một nông dân trồng tiêu lâu năm ở huyện Chư Pưh than: “Chỉ hơn một năm, vườn tiêu 800 trụ đang cho thu hoạch hơn 5 năm nay đổ bệnh, chết rải rác. Hiện đã có 150 trụ tiêu chết và đang tiếp tục chết. Vườn tiêu cạnh nhà mình chừng hơn 300 trụ mới thu được một năm cũng tự dưng chết trụi. Vậy là mất cả tỷ đồng rồi”.

Không chỉ ông Ke, nhiều nông dân trồng hồ tiêu cũng rơi vào hoàn cảnh như trên. Tiêu chết, nợ nần chồng chất và những hệ lụy khác. Theo tính toán, cứ mỗi ha hồ tiêu trồng mới, nông dân phải đầu tư chừng 500-700 triệu đồng. Nhiều nông dân sẵn sàng thế chấp gia sản cho ngân hàng vay tiền trồng tiêu. Và hàng ngàn nông dân cũng ví trồng tiêu như… đánh bạc. Bởi với tình hình dịch bệnh trên hồ tiêu có thể bùng phát bất cứ lúc nào có thể khiến họ thành tay trắng, nợ nần. Hiện ba loại bệnh là chết nhanh, chết chậm và tuyến trùng hại rễ trên hồ tiêu vẫn chưa có thuốc đặc trị.

Tìm bác sĩ cho “vàng đen”

 

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát thăm, kiểm tra vườn tiêu đang bị bệnh của ông Rah Lan Ke. Ảnh: Trần Hiếu
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát thăm, kiểm tra vườn tiêu đang bị bệnh của ông Rah Lan Ke. Ảnh: Trần Hiếu

Hồ tiêu đang được ví là “vàng đen” bởi giá trị lớn, giúp hàng chục ngàn nông dân đổi đời, tạo nên những khu vực dân cư trù phú. Nhưng “vàng đen” cũng khiến không ít nông dân rớt nước mắt vì dịch bệnh. Ngày 3-10, tại TP. Pleiku, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức “Hội nghị công tác bảo vệ thực vật trong sản xuất hồ tiêu bền vững”. Tại đây, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, nông dân... đã xoay quanh vấn đề sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững.

Ông Đinh Xuân Thu-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Đak Song (tỉnh Đak Nông) quả quyết: “Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng là một biện pháp nhưng chưa hẳn hiệu quả. Tôi có hơn 45 ha đất và đã trồng tiêu từ hơn 10 năm nay nhưng chưa hề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho tiêu của mình. Vườn tiêu của tôi rộng hàng chục ha dù không cho sản lượng khủng nhưng bền. Kinh nghiệm của tôi là trồng tiêu bằng cây sống, tạo vi sinh vật bằng cách trồng các loại cây họ đậu… để phòng trừ bệnh. Tiêu của tôi vẫn sinh trưởng tốt…”.

Gia Lai hiện là tỉnh có năng suất hồ tiêu quán quân với 45 tạ/ha, vượt xa năng suất bình quân 29 tạ/ha của cả nước. Và nông dân ở khu vực này cũng có không ít kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh. Ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê nói: “Trồng hồ tiêu phải tính đến chất đất. Đất chua thì cố mấy cũng chịu. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng phải đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời điểm. Nhưng hiện nông dân cũng chỉ thực hiện được 2 đến 3 đúng”.

Để những vùng chuyên canh hồ tiêu của Gia Lai, của Tây Nguyên cũng như các khu vực khác của Việt Nam phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Địa phương cần có nguồn nhân lực hiểu biết về cây tiêu để hướng dẫn đến hộ nông dân từ khâu chọn đất, chọn giống đến kỹ thuật trồng, chăm sóc… để đảm bảo được phòng-chống dịch bệnh. Lấy phòng bệnh là chủ yếu. Còn đối với diện tích tiêu đã bị bệnh phải mạnh dạn chặt bỏ, xử lý để tránh lây lan.

“Tôi sợ rằng nông dân chưa được phổ biến kiến thức về hồ tiêu đến nơi đến chốn. Nông dân cũng mất định hướng đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật. Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không đúng là sự lừa dối trắng trợn, cần kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm. Không một ai được lấy nông dân ra làm thí nghiệm”-ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Trần Hiếu

Có thể bạn quan tâm