Multimedia

Emagazine

E-magazine "Tính chuyện đường dài" cho khoai lang Phú Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

(GLO)- Những ngày cuối năm, chúng tôi về huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” khoai lang của tỉnh. Câu chuyện khoai lang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được người dân bàn tán xôn xao. Cùng với đó, chính quyền địa phương đang đề ra các giải pháp để “tính chuyện đường dài” cho khoai lang, hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. 

 

Được cung cấp đầy đủ nước tưới từ công trình thủy lợi Ayun Hạ, cộng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng, hơn 7 năm qua, người dân huyện Phú Thiện đã chuyển một phần diện tích đất lúa, rau màu sang trồng khoai lang Nhật Bản. Tuy có lúc giá lên xuống thất thường nhưng cây khoai lang vẫn phù hợp với vùng đất này và giúp nhiều hộ khá lên. Dần dần, đây trở thành một trong những cây trồng chủ lực, diện tích liên tiếp tăng hàng năm, đưa Phú Thiện trở thành “thủ phủ” khoai lang của tỉnh.

 

Ông Mã Văn Thủy (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol) cho biết: Trước đây, bà con trong thôn chủ yếu trồng lúa và hoa màu. Hơn 7 năm trở lại đây, một số hộ bắt đầu đưa giống khoai lang Nhật Bản về trồng. Nhiều hộ thấy hiệu quả nên làm theo, từ đó phát triển thành vùng chuyên canh khoai lang. Có lẽ do hợp thổ nhưỡng nên khoai lang trồng ở đây phát triển rất tốt, năng suất cao.

 

Cũng theo ông Thủy, vụ vừa rồi, gia đình ông trồng 1,2 ha khoai lang, thu được trên 32 tấn, trừ chi phí còn lãi hơn 120 triệu đồng. Nhằm tăng thêm thu nhập, mỗi năm, gia đình ông trồng 1 vụ lúa, 1 vụ khoai và 1 vụ đậu đen. Sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, ông bắt đầu xuống giống khoai lang, đến tháng 3 năm sau thì thu hoạch. Sau đó, ông tiếp tục trồng đậu đen, rồi trồng lúa.

 
 

Còn bà Nguyễn Thị Hương (thôn Hải Yên, xã Chư A Thai) thì cho hay: Vụ khoai lang vừa rồi, gia đình bà trồng được 5 ha. Nhờ chủ động nguồn nước tưới nên năng suất đạt 27 tấn/ha. Với giá bán 7,5 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi trên 500 triệu đồng, gấp 3-4 lần trồng lúa.

Nhận thấy giống khoai lang Nhật Bản dễ trồng, ít sâu bệnh, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên nhiều người dân các xã: Ia Sol, Chư A Thai, Ia Peng, Ia Piar, Chrôh Pơnan và Ia Yeng đã chuyển đổi diện tích lúa và cây ngắn ngày năng suất thấp sang trồng loại cây này. Thêm vào đó, trước sức hút lợi nhuận, nhiều nông dân từ các tỉnh Đak Lak, Kon Tum cũng đổ xô đến thuê đất trồng khiến diện tích khoai lang ở Phú Thiện tăng nhanh. Nếu như vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn huyện chỉ có 500 ha khoai lang thì năm 2021-2022 là 1.000 ha và đến nay tăng lên 1.200 ha.

 

Việc được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã có những tác động tích cực góp phần đưa giá khoai lang tăng, nông dân không còn chịu cảnh “được mùa, mất giá”. Để đạt chất lượng xuất khẩu thì người dân phải sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, xây dựng mã số vùng trồng.

 
 

Theo ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Để cây khoai lang phát triển bền vững, đem lại thu nhập khá cho người trồng là điều mà chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Phòng vừa có văn bản gửi UBND xã Ia Sol và Chư A Thai về việc đăng ký quản lý vùng trồng gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với cây khoai lang. Theo đó, người dân xã Ia Sol đăng ký 100 ha, xã Chư A Thai đăng ký 200 ha khoai lang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký cấp mã số vùng trồng.

 

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho biết: Vừa qua, việc hợp tác song phương giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Trung Quốc đã có những bước thay đổi lớn. Trong đó, xu hướng nông sản nhập khẩu vào thị trường hai bên phải đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch đã mở ra cơ hội cũng như thách thức lớn cho sản phẩm khoai lang Phú Thiện. Nắm bắt xu hướng phát triển nông nghiệp và phát huy lợi thế của địa phương, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức canh tác, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp xây dựng chuỗi giá trị trên cây khoai lang. Đây cũng là tiền đề để Phú Thiện xây dựng vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi, tạo tính bền vững.

 
 

Có thể bạn quan tâm