(GLO)- Bà Đào Thị Thảo (thôn Hợp Thắng, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) là hội viên nông dân tiêu biểu của tỉnh Gia Lai vừa được bầu chọn đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sắp tới. Bà không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn hoàn thành xuất sắc công tác xã hội.
Năm 1976, bà Thảo cùng gia đình rời quê ở tỉnh Hà Nam đi xây dựng kinh tế mới. Sau đó, bà làm công nhân cạo mủ cao su ở huyện Chư Prông. “Hồi ấy, đất trống còn nhiều nên nhà ai cũng có vườn rộng. Nhà tôi cũng trồng được vài trăm cây cà phê, nhưng vì không có thời gian chăm sóc nên năng suất không cao”-bà Thảo nói.
Mãi đến năm 2007, khi nghỉ hưu, bà Thảo mới tập trung làm kinh tế gia đình. Với diện tích đất vườn có sẵn và khoản tiền tích góp được, bà đầu tư thâm canh cà phê. Vừa làm vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do địa phương tổ chức, vợ chồng bà chịu khó làm ăn nên dần có tích lũy, mở rộng diện tích. Hiện gia đình bà sở hữu 2 ha cà phê cho năng suất ổn định.
Những năm gần đây, giá cà phê thường xuyên biến động, nhiều đợt sụt giảm sâu. Bà Thảo trăn trở “phải phá vỡ thế độc canh” tại vườn nhà, phải kết hợp trồng trọt với chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế. Thế rồi, bà đầu tư chăn nuôi gà, ngan, heo. Tùy theo mùa vụ, bà trồng thêm bắp, đậu phộng, rau sạch.
Vài năm nay, gia đình bà lúc nào cũng duy trì hơn 100 con ngan, khoảng 70 con gà và đàn heo 20 con. Với hình thức chăn nuôi hoàn toàn bằng thức ăn tự nhiên nên khách hàng đến mua tại nhà với giá ổn định.
Bà Đào Thị Thảo (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây cà phê cho hội viên. Ảnh: Phan Lài |
Đến năm 2018, bà Thảo tiếp tục trồng xen 5 sào cây ăn quả trong vườn cà phê. Được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn cây trồng phát triển xanh tốt. Nhờ đa dạng cây trồng và vật nuôi, mỗi năm, mô hình kinh tế tổng hợp này đem lại cho gia đình bà hơn 200 triệu đồng.
Ở tuổi 64, khi kinh tế đã ổn định, có thể nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu, nhưng bà Thảo lại chọn bận rộn việc chung. Bà chia sẻ: “10 năm trước, tôi được cấp trên tín nhiệm, hội viên tin tưởng bầu làm Tổ trưởng Tổ Nông dân xóm Nam Thắng (thôn Hợp Thắng). Tôi thấy mình phải có trách nhiệm đưa công tác Hội ngày càng vững mạnh hơn”.
Ông Đồng Mạnh Hùng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Drăng: “Dù lớn tuổi nhưng bà Đào Thị Thảo vẫn tích cực, sáng tạo trong sản xuất, sở hữu mô hình kinh tế tổng hợp với nguồn thu ổn định. Khi đảm nhận nhiệm vụ dù chế độ phụ cấp chẳng được bao nhiêu nhưng bà vẫn làm việc rất tận tâm, cống hiến hết mình vì sự phát triển của cộng đồng”. |
Với quyết tâm đó, bà Thảo chủ động nắm rõ các nghị quyết của Hội nông dân xã, tranh thủ sự chỉ đạo của Hội cấp trên, những vấn đề có liên quan trực tiếp đến nông dân để triển khai đến hội viên. Mỗi buổi sinh hoạt tổ, bà luôn tạo không khí vui vẻ, phấn khởi để hội viên gắn kết, động viên, giúp đỡ nhau.
Tổ Nông dân xóm Nam Thắng gồm 40 hội viên. Bà kêu gọi mọi người đóng góp được nguồn quỹ hơn 22 triệu đồng để giúp hội viên khó khăn vay vốn. Bà còn kết nối với các đại lý để hội viên mua phân bón trả chậm, tạo điều kiện phát triển sản xuất. Bà cũng cho nhiều hội viên nông dân nghèo vay tiền không tính lãi và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi.
Ngoài nhiệm vụ của hội viên nông dân, bà Đào Thị Thảo (bìa phải) còn là cộng tác viên dân số tích cực. Ảnh: Phan Lài |
Nhiều hộ trong thôn được bà hướng dẫn chuyển hướng chăn nuôi, trồng trọt đa canh đã có thu nhập ổn định, hăng hái tham gia các phong trào ở địa phương. Anh Vũ Đình Sang chia sẻ: “Dù đã cao tuổi, con cái đều đã lập gia đình, nhưng bà Thảo vẫn tích cực làm kinh tế, lại rất nhiệt tình trong hoạt động Hội. Những người trẻ như chúng tôi rất ngưỡng mộ, học hỏi tinh thần làm việc của bà, thi đua lao động sản xuất để thoát nghèo và vươn lên khá giả”.
Bản thân bà Thảo là người theo đạo Công giáo, trong xóm cũng có đông người theo đạo. Lúc đầu mới nhận nhiệm vụ cộng tác viên dân số, bà lo lắng lắm. Nhưng khi nghĩ đến việc tuyên truyền chủ trương đúng đắn, nâng cao dân trí và đem lại cuộc sống ấm no, bà đã nhận nhiệm vụ này.
Bà Thảo đã tranh thủ sự đồng thuận của người cai quản dòng đạo ở địa phương, sau đó kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền đến từng người dân về chính sách dân số, áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản. Từ những nỗ lực của bà, công tác dân số ở thôn Hợp Thắng đã có những chuyển biến tích cực, không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông cũng tình nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai.
Với vai trò Xóm trưởng, bà đã vận động bà con đóng góp được 24 triệu đồng làm 300 m rãnh thoát nước. Bà cũng đã vận động các gia đình đóng góp tiền để lắp bóng điện thắp sáng tuyến đường hơn 2 km trong xóm. Bà Thảo bày tỏ: “Bận rộn với những công việc không tên, nhưng tôi cảm thấy rất vui vì sự cố gắng của mình đã góp phần giúp cuộc sống của hội viên, bà con ngày một ổn định, ấm no”.
PHAN LÀI