Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Trái bóng tuổi thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không hiểu sao lũ con trai quê tôi đều mê trái bóng. Cũng lạ, cái thời đất nước khó khăn, truyền thông vắng bóng, lũ nhỏ đâu biết gì nhiều về môn “thể thao vua”, ấy vậy mà trái bóng tròn luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ.
Ảnh minh họa: NGUYÊN VÕ

Ảnh minh họa: NGUYÊN VÕ

Thời ấy, ở quê lấy đâu ra bãi đất rộng làm sân bóng. Vậy nên, chúng tôi phải canh mùa đồng khô, khi lúa vừa được gặt xong là kéo nhau ra cánh đồng. Lựa một chân ruộng tương đối bằng phẳng, cả đám hò nhau tập trung giẫm đạp cho rạ bẹp sát đất rồi vác những cục đất thật to đặt ở hai đầu ruộng làm cầu môn.

Bóng thì hên xui, kiếm được gì đá nấy. Đừng mơ tới bóng da bởi làm gì có tiền mà mua. Bởi vậy, phải “nghiên cứu” tận dụng mấy thứ trái cây tròn, to giống hình trái bóng để chơi. Trong số này, “khả thi” nhất là quả bưởi. Nhưng bưởi trồng để ăn quả, lén hái đem làm bóng đá coi chừng ăn roi.

Thật hên là nhà thằng Tèo Em có cây bưởi cảnh. Giống bưởi này trồng chỉ để làm cảnh chứ quả không ăn được. Vậy nên, những trận túc cầu buổi đầu lập đội của chúng tôi đa phần diễn ra với những trái bóng được cung cấp bởi “nhà tài trợ” Tèo Em. Cứ vỡ quả này, Tèo ta lại lén chạy về hái quả khác. Bóng bưởi khá nặng, đá đau chân nên “cầu thủ” hai bên chỉ tranh nhau lùa bóng rồi lựa thế hất bóng vào gôn chứ cho kẹo cũng không đứa nào dám sút.

Khâu “nhân sự” cho 2 đội bóng lại càng mắc cười: Khỏi cần giới hạn số cầu thủ, khỏi cần phân vai hậu vệ, tiền vệ, trung phong, tiền đạo… làm gì cho lôi thôi mà cứ gom hết số lượng “cầu thủ” muốn tham gia; sau đó chia thành 2 đội và… đá. Chỉ có một vị trí duy nhất được phân công, đó là thủ môn. Vị trí này ít đứa muốn làm. Bởi khi bóng chưa xuống cầu môn thì phải đứng một chỗ nhìn bạn bè đá. Còn khi bóng xuống tới gần gôn lại phải “liều mình” lăn xả chụp bóng; nhiều pha bị đau do đối phương… ham bóng! Nhọc vậy nên hiếm đứa nào chịu lãnh chân bắt gôn cứng, đành chia nhau làm luân phiên.

Còn nhớ, có lần tới lượt tôi làm thủ môn. Thấy bóng xuống tới gôn, tôi luống cuống nhào ra. Trái bóng bưởi to nặng lại còn trơn tuột khiến tôi chới với. Hoảng quá, tôi ôm luôn chân cầu thủ đội bạn, giữ chặt mặc cho nó la oai oái! Chơi liều vậy mà cũng thoát được bàn thua bởi cái luật phạt đền (penalty) còn lâu mấy ông nhóc bóng đá tuổi thơ ngày ấy mới biết. Mà có biết chắc cũng không ai dám sút bóng… bưởi.

Đừng hỏi những trận bóng đá của chúng tôi có trọng tài hay không. Đương nhiên là không, vì luật chơi thì quá đơn giản. Cộng với việc nếu có phân công chắc cũng chẳng ai chịu làm. Bởi tâm lý đứa nào cũng chỉ thích được đá bóng nên dù có bị đau chân cũng đâu ai ưa cái món chạy bở hơi tai theo cầu thủ mà cấm đụng vô trái bóng bao giờ.

Dẫu cho cuộc chơi nào cũng có những va chạm, cự cãi. Nhưng tất cả cũng đều được xử lý gọn gàng, đơn giản. Đứa cố tình chơi xấu hoặc phạm lỗi mà “chày cối” không chịu nhận sẽ bị mọi người nhất trí “phạt thẻ đỏ”, tức là bị tẩy chay, đuổi khỏi sân. “Nghiêm trọng” vậy nên chả đứa nào dám lơ mơ.

Tới một ngày, anh trai của Tí Láu trong đội ở xa về chơi, thấy chúng tôi đá bóng bằng quả bưởi đau chân nên thương mà mua cho cả đội một trái bóng nhựa. Khỏi phải nói chúng tôi vui mừng đến thế nào. Tiếc là chỉ chơi được vài trận thì bóng đã bị lủng, xì hơi và xẹp lép. Niềm vui có bóng mới chưa trọn đã hóa nỗi buồn.

Vậy nhưng, cái khó ló cái khôn. Thằng Tin tháo vát nhất đội đã nghĩ ra cách xẻ một lỗ to trên quả bóng rồi nhét đầy giẻ rách, rơm khô vào cho bóng căng lên. Đá cũng tạm nhưng chắc chắn độ nẩy không thể nào sánh được với lúc bóng căng hơi. Kệ, có còn hơn không. Cứ thế cầm cự tới lúc trái bóng rách toác phải đem bán phế liệu thì cũng vừa hết mùa hè. Năm sau, tôi đi học xa quê và những trận bóng đá tuổi thơ cũng chính thức lui vào ký ức...

Có thể bạn quan tâm