Kinh tế

Nông nghiệp

Triển vọng từ cây mắc ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 1134/QĐ-BNN-TCLN phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020 và tiềm năng phát triển đến năm 2030. Theo đó, Kbang là địa phương duy nhất ở Gia Lai được phê duyệt quy hoạch trồng cây mắc ca với diện tích 600 ha (50 ha trồng thuần và 550 ha trồng xen trong cà phê).

Cũng theo Quyết định trên, để đảm bảo đầu ra ổn định cho cây mắc ca, vùng Tây Nguyên được thành lập 6 cơ sở sơ chế, chế biến. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng 2 cơ sở và các tỉnh còn lại, mỗi tỉnh có 1 cơ sở sơ chế, chế biến. Đây được xem là cơ hội để huyện Kbang từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng và là điều kiện để người dân nơi đây nhân rộng mô hình trồng cây mắc ca nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định cuộc sống.

 

Cây mắc ca trồng tại khu vực thị trấn Kbang đã bắt đầu ra trái. Ảnh: L.N
Cây mắc ca trồng tại khu vực thị trấn Kbang đã bắt đầu ra trái. Ảnh: L.N

Trước đó, thấy được hiệu quả kinh tế từ cây mắc ca mang lại, năm 2010, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đak Rong đã đưa vào trồng thí nghiệm 3 ha trên địa bàn huyện Kbang. Một năm sau, huyện Kbang bắt đầu triển khai hỗ trợ người dân các xã Sơ Pai, Sơn Lang, Krong, Đak Rong, Lơ Ku, Nghĩa An và thị trấn Kbang trồng thí điểm cây mắc ca xen trong vườn cây cà phê với tổng kinh phí hỗ trợ giống trồng hơn 1,1 tỷ đồng. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, đến nay, người dân trong huyện đã trồng được hơn 113 ha cây mắc ca với các loại giống như: 246, 695, 788, 816, 800, OC, Dadow, H2, QN1.    

Sau 6 năm đưa vào trồng thử nghiệm, cây mắc ca tại một số vùng trên địa bàn huyện Kbang đã thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Một số diện tích trồng từ năm 2010, 2011 tại xã Đak Rong đã bắt đầu cho thu hoạch. Ông Đồng Hữu Công-nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đak Rong-người đầu tiên đưa cây mắc ca vào trồng xen trong cà phê ở huyện Kbang cho biết: “Năm 2010, chúng tôi trồng xen 3 ha mắc ca giống H2 và OC của Viện Khoa học-Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên trong vườn cà phê vối 20 năm tuổi với khoảng cách 6 mét x 6 mét được 277 cây/ha. Đến năm 2014, diện tích này đã thu bói khoảng 150 kg quả khô/3 ha. Vụ này, tôi dự tính có thể thu khoảng 3 kg hạt khô/cây. Nhìn chung, cây mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh hại hầu như không có và tương đối thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Tuy nhiên, đầu ra của cây mắc ca hiện vẫn chưa ổn định”.

Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang cho hay: Thời gian qua, ngoài mô hình thí điểm cây mắc ca của huyện thì một số hộ dân cũng mạnh dạn đưa vào trồng loại cây này vì đây là cây có giá trị kinh tế cao, có thể thay thế hoặc trồng xen trong các diện tích cà phê già cỗi tại một số xã như Sơn Lang, Đak Rong, Sơ Pai, Krong... Qua theo dõi cho thấy, loại cây này sinh trưởng tương đối phù hợp với điều kiện của địa phương. Một số diện tích giống OC và H2 đã ra hoa, đậu quả. Từ năm 2011 đến nay, Công ty TNHH Vinamaca và Du lịch Đức Anh (tỉnh Đak Lak) đã tham gia đầu tư trồng mắc ca trên địa bàn huyện với hình thức đầu tư ứng trước 40% giá trị giống cây, sau 4 năm người dân sẽ thanh toán sản phẩm cho doanh nghiệp và ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Vừa qua, huyện cũng đã làm việc với Công ty Mắc ca Cao Nguyên Xanh về việc đầu tư và bao tiêu sản phẩm để giúp người dân trồng mắc ca có đầu ra ổn định.

Mắc ca được đánh giá là cây có giá trị kinh tế cao. Nếu sản lượng bình quân 4 tấn/ha, có được đầu ra ổn định, trừ chi phí, mỗi ha cũng có thể thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, mắc ca không phải là loại cây dễ trồng. Theo các nhà khoa học, cây mắc ca có thể trồng ở nhiều nơi nhưng để cây có quả, có hạt thì lại rất ít nơi trồng được và không phải vùng nào ở Tây Nguyên cũng phù hợp, chưa kể vấn đề biến đổi khí hậu nên khó ổn định năng suất với những cây đã cho quả. Kỹ thuật trồng cây mắc ca cũng rất phức tạp, phải hiểu rõ giống nào được trồng chung với giống nào, giống nào trồng dày, trồng thưa chứ không thể trồng theo cảm tính như những cây trồng khác bởi đây là loại cây thụ phấn chéo, nhờ giống khác mới thụ phấn nên phải trồng 3-4 loại giống trên cùng một vườn. Ngoài ra, thời gian đầu tư đến thu hoạch tương đối dài (7-8 năm), vì thế, người trồng cần thận trọng khi chọn địa điểm đầu tư, phát triển đối với loại cây trồng này.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm