Multimedia

Emagazine

E-magazine “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn, làng” - Kỳ 3: Từ cốt cán FULRO trở thành người có uy tín

Buôn Chư Krik (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) nằm bên dòng sông Ba. Nơi đó, phù sa màu mỡ bồi đắp đã nuôi sống biết bao con người.

Ông Ksor Yung cũng lớn lên từ dòng nước mát sông Ba. Vậy nhưng, ông đã lầm đường lạc lối khi nghe theo lời kẻ xấu, lén lút tham gia hoạt động FULRO rồi vượt biên sang Campuchia, nuôi ảo vọng được đi nước thứ ba để có cuộc sống sung sướng. Nhưng rồi, ông sớm vỡ mộng trên đất khách. Thời gian đầu khi về nước, ông sống khép mình, vẫn mù quáng tham gia “Tin lành Đê ga” với hình thức tu tại gia. Khi được chính quyền và lực lượng Công an khuyên giải, ông Yung đã thức tỉnh và từ bỏ hành vi sai trái. Trò chuyện với chúng tôi, ông Yung cho biết:

Giờ đây, ông Yung là người có uy tín trong cộng đồng, thành viên Ban Chấp sự Chi hội Tin lành của xã. Ông tích cực phối hợp với lực lượng Công an tuyên truyền, vận động hơn 100 người tham gia “Tin lành Đê ga” quay về sinh hoạt tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận.

Căn nhà của ông Nay Thuy (buôn H’Lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) nép mình bên những hàng điều xanh ngát. Trước sân, mấy đứa cháu chơi đùa, tiếng cười nói rộn ràng. Cuộc sống bình yên ấy khiến ông cảm thấy rất hạnh phúc.

Trước đây, vì tin theo lời FULRO, tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái phép, chống chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Nay Thuy phải trả giá bằng bản án 5 năm tù. Sau khi ra tù, được sự bao dung của cộng đồng, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, ông đã “bước ra khỏi bóng tối”, sống có ích cho cộng đồng và được tín nhiệm bầu làm mục sư của điểm nhóm Tin lành Báp-tít Việt Nam buôn H’Lang.

Với cách tuyên truyền gần gũi, thẳng thắn, ông Thuy đã cùng các cấp, ngành vận động hơn 250 người núp bóng tu tại gia trở về sinh hoạt trong tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận.

Nếu ai một lần xuôi theo quốc lộ 14 từ ngã ba Hàm Rồng về huyện Chư Sê sẽ cảm nhận được khung cảnh đẹp nên thơ bởi những hàng cao su thẳng tắp, vườn cà phê, sầu riêng xanh tươi.

Nhìn cuộc sống trù phú này, ít người tin rằng những năm 2000, nơi đây từng là “điểm nóng” hoạt động FULRO. Nhiều người vướng vòng lao lý vì nghe theo lời kẻ xấu chống phá chính quyền, phá hoạt khối đại đoàn kết dân tộc. Ông Kpă Bih (làng Pang, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) là một trường hợp như thế. Sau gần 10 năm chấp hành án phạt tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”, ông trở về với cuộc sống đời thường, nỗ lực chăm sóc 2 ha cà phê, 3 sào lúa nước.

Nhận ra sai lầm của mình, khi trở về với cộng đồng, ông Bih đã tích cực lao động sản xuất, tham gia các hoạt động của địa phương, chọn theo tôn giáo chính thống. Giờ đây, ông là chấp sự trưởng của một điểm nhóm sinh hoạt đạo Tin lành Việt Nam (miền Nam) với sự tham gia của hơn 200 tín đồ. Ông cũng đồng hành cùng lực lượng Công an vận động những người lầm lỗi quay về sinh hoạt tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận.

Có thể khẳng định, các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta. Chúng thường lôi kéo những người có trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết pháp luật, nhận thức chính trị phiến diện, lệch lạc, không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn, dễ bị dụ dỗ, lừa phỉnh với những hứa hẹn viển vông từ vật chất cho đến danh vọng hão huyền để tham gia hoạt động chống phá.

Thượng tá Phan Thanh Hải-Phó Trưởng phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh Gia Lai) khẳng định: Lực lượng Công an luôn quán triệt tinh thần “An ninh chủ động”, “Lấy phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính”, “Sử dụng tôn giáo để giải quyết vấn đề tôn giáo”, trong đó, xác định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong việc cảm hóa, giáo dục đối tượng FULRO tại cộng đồng.

Còn Bí thư Huyện ủy Chư Sê Lý Anh Sang thì cho biết: Mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn, làng” là một cách làm hay, sáng tạo để giúp đỡ những người trót lầm lỡ trở về hoạt động tôn giáo chính thống được pháp luật cho phép. Đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề FULRO, “Tin lành Đê ga”, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thông qua việc gặp gỡ chức sắc, chức việc của các tổ chức tôn giáo và những người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng, huyện động viên lực lượng này phối hợp tuyên truyền, tác động đến các đối tượng về nhận thức, lựa chọn niềm tin, tín ngưỡng phù hợp và sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp quay về sinh hoạt tôn giáo thuần túy; vận động người dân tham gia xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, những chính sách hỗ trợ người từng lầm lỡ được triển khai có hiệu quả, giúp họ thoát khỏi tự ti, mặc cảm để quay về sinh hoạt tôn giáo thuần túy.

Không chỉ cộng đồng thôn, làng mở rộng vòng tay đón nhận những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng mà các chức sắc tôn giáo tại địa phương cũng sẵn sàng giúp họ quay về sinh hoạt tôn giáo được pháp luật công nhận, ổn định cuộc sống. Những tôn giáo chính thống được pháp luật cho phép luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương động viên tín đồ của mình sống “kính Chúa, yêu nước, phúc âm giữa lòng dân tộc”, đồng thời mở rộng vòng tay đón những người lầm lỡ trở về sinh hoạt trong tôn giáo của mình.

Trao đổi với P.V, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn, làng” là mô hình được triển khai theo 3 cấp: huyện, xã, thôn. Mô hình này huy động sức mạnh tổng hợp của 4 lực lượng: đảng viên, cán bộ trong hệ thống chính trị; lực lượng cốt cán, người có uy tín; các chức sắc tôn giáo và những người đã quay về sinh hoạt tôn giáo thuần túy, có tư tưởng tiến bộ để vận động, tuyên truyền người dân cùng tham gia giữ gìn an ninh trật tự.

Mô hình đã giải quyết tốt vấn đề tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo của quần chúng gắn với thực hiện chính sách dân tộc ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự; giải quyết tốt yếu tố địch bên trong, qua đó từng bước làm mất đi các điều kiện mà các thế lực thù địch, bọn phản động FULRO có thể lợi dụng câu móc, hoạt động chống phá; củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Có thể bạn quan tâm