Multimedia

Emagazine

E-magazine Trồng rừng: Cái khó bó... tiến độ

Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu trồng khoảng 10.300 ha rừng và cây phân tán. Trong đó, diện tích trồng rừng do các địa phương, đơn vị chủ rừng đăng ký triển khai thực hiện khoảng 4.696 ha (rừng tập trung khoảng 2.896 ha, trồng cây phân tán 1.800 ha); diện tích trồng rừng từ nguồn vốn kêu gọi đầu tư của các dự án trồng rừng sản xuất hơn 5.600 ha. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới trồng được hơn 360 ha rừng.

Theo các địa phương, đơn vị chủ rừng, phần lớn diện tích người dân đăng ký trồng rừng là đất lâm nghiệp quy hoạch rừng sản xuất. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có cơ chế giao đất ổn định để sản xuất nên người dân không an tâm đăng ký trồng rừng. Đặc biệt, kinh phí hỗ trợ trồng rừng năm 2023 và năm 2024 chưa có dẫn đến các hộ dân đã đăng ký không có tiền mua cây giống.

Dù chỉ được giao trồng 5,3 ha rừng tập trung trong năm 2024 nhưng xã Ia Bă (huyện Ia Grai) gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động người dân thực hiện.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Bổn cho biết: Do diện tích đất trồng rừng manh mún, nhỏ lẻ, địa hình đồi dốc nên việc vận động người dân đăng ký trồng rừng rất khó. Không những vậy, cơ chế giao đất lâm nghiệp còn nhiều bất cập, chưa có nguồn vốn hỗ trợ người dân trồng rừng. Ngoài ra, mưa muộn và lượng mưa ít đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ trồng rừng. Đến thời điểm này, xã chưa thể triển khai trồng rừng, nguy cơ không hoàn thành kế hoạch là rất lớn.

Ông Phạm Thành Phước-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (huyện Chư Păh) cũng thông tin: Năm 2024, đơn vị được giao trồng hơn 78 ha rừng thay thế và 60 ha rừng sản xuất. Đến thời điểm này, đơn vị đã tiến hành rà soát, xác định quỹ đất để triển khai trồng rừng, đồng thời tiến hành phát dọn thực bì chuẩn bị xuống giống. Tuy nhiên, đơn vị vẫn chưa được giao vốn nên không thể tiến hành trồng rừng.

Thông thường, thời vụ trồng rừng ở khu vực phía Tây tỉnh là từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm; còn khu vực phía Đông và Đông Nam là từ tháng 8 đến tháng 11. Năm nay, nắng hạn kéo dài, mùa mưa đến muộn và lượng mưa ít so với nhiều năm trước nên công tác trồng rừng gặp không ít khó khăn.

Ông Lê Minh Nhân-Quản lý vườn ươm tại xã Ia Khươl (huyện Chư Păh) thuộc Công ty TNHH Thái Hòa (tỉnh Kon Tum) cho biết: Hưởng ứng Chiến dịch trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đã đồng hành cùng địa phương triển khai hỗ trợ cây giống cho người dân tiến hành phủ xanh đồi trọc nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2023, Công ty hỗ trợ 52 ngàn cây keo và thông 3 lá cho người dân xã Ia Khươl trồng rừng, còn năm nay đã hỗ trợ trên 3.000 cây keo.

Clip: Ông Lê Minh Nhân-Quản lý vườn ươm tại xã Ia Khươl (huyện Chư Păh) thuộc Công ty TNHH Thái Hòa (tỉnh Kon Tum) chia sẻ về việc gìn giữ rừng. Thực hiện: Quang Tấn

Năm 2023, xã Ia Khươl đã vận động người dân chuyển diện tích mì không hiệu quả sang trồng 30 ha rừng. Năm 2024, xã cũng tích cực huy động nguồn xã hội hóa nhằm hỗ trợ cây giống cho người dân trồng rừng. Tuy nhiên, thời tiết nắng hạn kéo dài, mùa mưa đến muộn và lượng mưa ít nên công tác trồng rừng của xã này gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Ny-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Păh: Trong năm 2023 và 2024, các hộ tham gia trồng rừng phải tự túc về kinh phí đầu tư, không còn sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển sang trồng rừng rất nan giải vì đa số các hộ có điều kiện kinh tế khó khăn.

Mặt khác, phần lớn diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là đất rẫy của người dân tộc thiểu số đang canh tác nông nghiệp nhưng chưa thực hiện giao đất, thuê đất nên khó vận động người dân chuyển sang trồng rừng và được hưởng các chính sách hỗ trợ trồng rừng theo Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20-9-2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Đặc biệt, nguồn vốn phân bổ cho các ban quản lý rừng phòng hộ trồng rừng năm 2024 khá chậm. Cùng với đó, các doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn huyện vẫn chưa được phê duyệt dự án, chưa được giao đất trong khi đã bước vào cao điểm mùa mưa, mùa trồng rừng.

Cũng theo ông Nghĩa, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kêu gọi đầu tư, hỗ trợ của các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng sản xuất, trồng rừng mới gắn với sinh kế bảo vệ môi trường. Chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tiến hành phân bổ vốn để các ban quản lý rừng phòng hộ triển khai trồng rừng thay thế từ nguồn kinh phí Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương.

Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ người dân trồng rừng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp trên địa bàn rà soát quỹ đất liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp triển khai trồng rừng sản xuất. Rà soát diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm để thu hồi, kêu gọi đầu tư trồng rừng kết hợp giải quyết sinh kế cho người dân.

Ngoài ra, Sở tập trung đẩy mạnh xã hội hóa để triển khai các dự án trồng cây đường phố, cây phân tán trong khuôn viên các đơn vị, doanh nghiệp… Đặc biệt, Sở phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đo đạc và cấp quyền sử dụng đất trong giao đất, giao rừng cho cộng đồng và các chủ rừng.

Có thể bạn quan tâm