Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Viết báo, làm báo để phục vụ sự nghiệp cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Viết báo, làm báo được xem là một loại hình lao động đặc thù: sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh để chuyển tải thông tin nhanh nhạy, khách quan, chính xác đến mọi tầng lớp xã hội. Làm báo, viết báo ngoài ý nghĩa là một nghề thì còn mang ý nghĩa nào khác? Và, trong ý nghĩa đó, người viết báo, làm báo cần làm gì và làm thế nào để khẳng định mình với tư cách nhà báo chân chính? Tìm hiểu quá trình học viết báo, làm báo của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh có thể gợi mở cho chúng ta nhiều điều. 
Hồ Chí Minh-người đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam
Là người yêu nước và dành trọn đời cho nước, cho dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm tất cả để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, mang lại độc lập-tự do-hạnh phúc cho nhân dân. Từ rất sớm, Bác nhận ra tầm quan trọng của báo chí. Vì thế, Người viết báo, làm báo và xem đó như là một trong những phương thức cơ bản để có thể phục vụ việc tuyên truyền, thức tỉnh những người cùng khổ ở các dân tộc bị áp bức nói chung, người dân Việt Nam nói riêng đứng lên, “dùng sức ta mà giải phóng cho ta”. 
Khi trở lại Pháp (cuối năm 1917), tuy vốn ngôn ngữ chưa đủ để viết báo nhưng với tinh thần quyết tâm cao, Bác tự học tiếng và học viết báo. Những bài viết của Bác đăng trên báo cánh tả lúc bấy giờ hầu như không có nhuận bút, nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần động viên rất lớn. Bài viết nổi tiếng đầu tiên của Bác được cơ quan ngôn luận Đảng Xã hội Pháp đăng dưới nhan đề “Quyền các dân tộc”. Trong đó, Bác đưa ra 8 yêu sách thiết thực, đấu tranh đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền độc lập tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam, trong đó có cả quyền tự do tư tưởng và tự do báo chí. Đặc biệt, tháng 1-1922, Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Thuộc địa đã quyết định thành lập “Hội Hợp tác Người cùng khổ” và cho xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) làm cơ quan ngôn luận của Hội. Trong thời gian từ tháng 4-1922 đến tháng 4-1926, báo Le Paria ra được 38 số. Nguyễn Ái Quốc là người phụ trách chính trong việc xuất bản của báo, từ việc tổ chức ban biên tập, tòa soạn, viết bài, sửa chữa, đi in, đem báo về tòa soạn, cho đến việc gửi đi các thuộc địa. Mặc dù điều kiện sinh sống tại Paris rất khó khăn, thiếu thốn nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn ủng hộ đều cho báo mỗi tháng 25 franc. Người nói: “Chúng ta phải bằng bất cứ giá nào làm cho tờ báo sống. Nó mất đi sẽ là một thiệt hại to lớn đối với tổ chức và nhất là đối với công tác tuyên truyền lúc này cần thiết hơn lúc nào hết”. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo Nhân dân (ảnh tư liệu).
Đối với phong trào cách mạng Việt Nam, sau khi đến Quảng Châu (Trung Quốc) để tổ chức huấn luyện cán bộ cách mạng, Bác đứng ra thành lập báo Thanh niên-cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Báo Thanh niên số đầu tiên ra ngày 21-6-1925, đến tháng 4-1927 ra đều đặn được 88 số (kỳ) bằng tiếng Việt tại nhà số 13A, đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. Trong đó, Bác trực tiếp chỉ đạo, biên tập, trình bày và viết nhiều bài chính luận sắc bén. Thông qua lăng kính tư tưởng và cách truyền bá đặc sắc của Người, Chủ nghĩa Mác-Lênin đã thâm nhập sâu rộng, dần dần giác ngộ các tầng lớp nhân dân, biến lý luận khoa học và cách mạng thành “lực lượng vật chất” đủ mạnh để “nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước” trong thời đại sau Cách mạng tháng Mười Nga.
Nói về nguyên tắc làm báo, Hồ Chí Minh luôn dặn dò các nhà báo phải xác định: Viết cho ai? viết để làm gì? và viết thế nào? Trên thực tế, nguyên tắc đó được Người quán triệt và thực hiện xuất sắc trong viết báo, làm báo phục vụ nhiệm vụ cách mạng ở nhiều nơi, nhiều thời kỳ. Với mục tiêu phục vụ rộng rãi nhiều đối tượng khác nhau, Bác đã dày công học tập và có thể sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, với 40-50 bút danh và khoảng 2.000 bài báo đăng tải ở hàng chục nước trên thế giới. Thông qua hoạt động báo chí, ngay từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, Người đã góp phần to lớn trong việc hình thành và phát triển dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Với tinh thần đó, 6 tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 5-8-1930, Trung ương Đảng ta đã ra mắt tạp chí lý luận đầu tiên là tạp chí Đỏ. Tiếp đó, ngày 15-8-1930, báo Tranh đấu ra mắt.
Cần nỗ lực làm mới tư duy, nâng cao kỹ năng tác nghiệp
Những năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí đã từng bước trưởng thành; người làm báo đã bám sát thực tiễn, không ngừng sáng tạo để tạo ra các tác phẩm báo chí có chất lượng cao, phản ánh trung thực mọi mặt đời sống xã hội. Qua báo chí, nhiều tấm gương tốt được biểu dương, nhiều vụ việc tiêu cực được phơi bày, nhiều vấn đề bức xúc được các cấp có thẩm quyền kịp thời vào cuộc, giải quyết. Báo chí thực sự đã tạo được hiệu ứng tích cực, tạo lập sự đồng thuận, củng cố niềm tin xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.
Tuy vậy, trên thực tế cũng còn không ít vụ việc tiêu cực xảy ra, làm phương hại bản chất cách mạng của báo chí nước nhà. Nổi lên là vấn đề đạo đức của người làm báo. Mặc dù chủ đề này đã được đưa ra bàn thảo nhiều và cũng không ít văn bản của các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam được ban hành, nhưng có thể nhận thấy quyết tâm chính trị và cách làm ấy chưa phát huy tác dụng mạnh mẽ, đều khắp trong thực tế.
Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay cũng là dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác. Vậy nên, cách làm thiết thực nhất lúc này là mỗi người làm báo, viết báo cần nêu cao tính tự giác trong học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách làm báo, viết báo của Người nhằm trước hết “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Thứ nữa, trên nền của sự chuyển biến ấy, với trách nhiệm công dân và nghĩa vụ của người làm báo, mỗi nhà báo cần thể hiện tinh thần cầu thị, quyết tâm sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm, tự nỗ lực làm mới tư duy, nâng cao kỹ năng tác nghiệp, kịp thời đưa đến công chúng những thông tin, kiến giải chuẩn xác nhất, sinh động, hấp dẫn nhất các vấn đề nóng hổi của đất nước và quốc tế. Cùng với đó, về lâu dài, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người viết báo, làm báo cần đầu tư nghiên cứu, tìm kiếm, tạo lập các nguồn lực, huy động đội ngũ cộng tác viên tham gia để có nhiều bài viết mang tính đúc kết các mô hình quản lý xã hội hiệu lực, hiệu quả; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tôn vinh cái đúng, cái đẹp, đủ sức đẩy lùi những cái ác, cái xấu; góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
PGS-TS. HỒ TẤN SÁNG

Có thể bạn quan tâm