Từ Vũ Hán đến Daegu. Từ châu Á, virus corona chủng mới đã lan ra 4 châu lục khác với 66 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm, tính đến ngày 1-3.
Người dân Hàn Quốc đeo khẩu trang khi đến nhà thờ Myeongdong ở Seoul hôm 26-2 - Nguồn: Yonhap News
Số bệnh nhân tăng vọt mỗi ngày ở các "điểm nóng" Hàn Quốc, Ý và Iran. Những nước lớn như Mỹ và Úc đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19. Người Việt đầu tiên được xác nhận nhiễm ở tâm dịch Daegu.
Những con số nhảy múa từng giờ từng phút có thể gây hoang mang và đó là những con số hiện hữu. Nhưng cũng đừng quá lo lắng bởi sự lan rộng virus corona chủng mới trên toàn cầu nằm trong dự đoán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trong cuộc họp báo 28-2, người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier nhận định sự bùng phát dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) "đang trở nên lớn hơn" sau khi Nigeria ghi nhận ca nhiễm đầu tiên ở khu vực Hạ Sahara của châu Phi.
Cùng ngày, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: "Không một nước nào chủ quan rằng họ sẽ miễn nhiễm. Đó có thể là sai lầm chết người. Virus này không có biên giới". Hôm 28-2, WHO cũng đã có động thái nâng mức cảnh báo lây nhiễm toàn cầu đối với dịch COVID-19 lên mức "rất cao" sau khi ghi nhận dịch bệnh tại gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Tổng giám đốc WHO cũng nhấn mạnh thế giới đang ở "thời điểm quyết định", đồng thời hối thúc các quốc gia bị ảnh hưởng "hành động nhanh chóng" để ngăn chặn bùng phát đại dịch.
Virus không có biên giới và bây giờ trách nhiệm không chỉ của riêng quốc gia nào, cá nhân nào. Cũng như tên gọi chính thức SARS-CoV-2 không gắn vị trí địa lý cụ thể nào để tránh sự kỳ thị, đây là lúc các quốc gia trên thế giới cần đoàn kết để chống lại "kẻ thù" đang len lỏi, phá hoại khắp thế giới này.
Đã có những bài học chủ quan gây hậu quả nghiêm trọng từ các điểm bùng phát dịch như Daegu và Vũ Hán. Các quốc gia khác chắc chắn đã rút tỉa những bài học kinh nghiệm đắt giá để ngăn chặn tình trạng "vỡ trận" có thể trong tương lai.
Theo WHO, để ngăn chặn sự bùng phát, các quốc gia cần áp dụng các biện pháp mạnh như Trung Quốc đang thực hiện để dập dịch, bao gồm: giám sát chủ động để phát hiện ngay các trường hợp, chẩn đoán rất nhanh và cách ly trường hợp ngay lập tức, theo dõi chặt chẽ và cách ly các trường hợp tiếp xúc gần.
Những ngày gần đây đã xuất hiện những tín hiệu tích cực ở Trung Quốc khi số liệu ca nhiễm và tử vong mới ở nước này đang theo chiều hướng giảm. WHO cho rằng những gì đã diễn ra tại Trung Quốc cho thấy dịch COVID-19 có thể được khống chế, các bệnh nhân có thể được điều trị khỏi bệnh nhiều hơn.
Dịch bệnh COVID-19 rõ ràng đang khiến toàn cầu bất an. Những tai ương mà thế giới đón nhận đầu năm 2020 khiến chúng ta liên tưởng đến chiếc hộp Pandora trong thần thoại Hi Lạp. Chiếc hộp Pandora chứa thiên tai, bệnh tật... nhưng nó cũng chứa cả niềm hi vọng.
Niềm hi vọng đó là hơn "20 loại văcxin và thuốc điều trị đang được phát triển, thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới", theo lời của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
"Chúng ta có thể hi vọng sẽ có kết quả tốt đẹp trong vài tuần nữa" - ông Tedros nói.
Quỳnh Trung (TTO)