(GLO)- Tập quán nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn hay thả rông gia súc của người dân đang khiến các địa phương ở huyện Phú Thiện gặp khó khăn khi thực hiện tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Vào các làng đồng bào dân tộc Jrai ở huyện Phú Thiện rất dễ bắt gặp hình ảnh những vũng nước đọng do mưa, do nước thải sinh hoạt cộng với chất thải từ các chuồng trại gia súc ngay dưới gầm nhà sàn. Nhiều tuyến đường nội thôn ở các xã: Ia Hiao, Ia Piar, Ia Peng, Ia Sol… hễ mưa to là ngập úng, đọng nước lênh láng. Sống chung với ao tù, nước đọng như thế từ lâu, dường như người dân đã quen và không chú ý nhiều đến nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ, nhất là đối với trẻ em.
Xã Ia Piar đã vận động người dân di dời được 185 chuồng bò ra khỏi gầm nhà sàn. Ảnh: Đ.P |
Mặc dù chính quyền địa phương đã ra sức tuyên truyền, vận động nhưng để người dân thực sự hiểu và làm theo lại là chuyện khác. So với trước đây, tình trạng thả rông gia súc, nhất là thói quen nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn của nhiều hộ dân người Jrai ở xã Ia Yeng vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Không chỉ gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân, thực tế này còn đang gây nhiều khó khăn cho địa phương trong thực hiện tiêu chí môi trường nông thôn mới. “Chính quyền tuyên truyền người dân phải nhốt trâu, bò để giữ vệ sinh môi trường. Nhưng có người nghe, có người thì chưa hiểu lắm. Một số gia đình còn quan niệm nhốt bò, heo sợ chúng không sinh đẻ được nên cứ thả rông. Hậu quả là gia súc phóng uế bừa bãi khắp đường làng, cổng ngõ, rất mất vệ sinh”-chị Ksor HNgun (làng Kte Lớn A, xã Ia Yeng) nói.
Để giải quyết vấn đề này, xã Ia Yeng đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đoàn thể. Ông Nguyễn Văn Thuận, cán bộ Văn hóa-Xã hội xã Ia Yeng, cho biết: “Các ban, ngành, đoàn thể xã đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Cái khó là do tập quán người bản địa sinh sống nhà liền kề nhau, không gian chật hẹp, việc di dời gia súc, gia cầm ra khỏi nhà này sẽ làm ảnh hưởng đến nhà bên kia”.
Còn ông Đỗ Kim Quốc-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp-Môi trường xã Ia Yeng thì cho hay: “Dù khó khăn nhưng Đảng ủy, chính quyền xã vẫn quyết tâm tuyên truyền, vận động người dân không nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn; kêu gọi bà con thu gom rác thải và xử lý đúng cách, xây dựng bãi rác thải tập trung. Xã phấn đấu năm 2019 sẽ hoàn thành tiêu chí môi trường”.
Không chỉ riêng ở xã Ia Yeng, vấn đề môi trường ở nông thôn, nhất là tình trạng thả rông hay nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Phú Thiện đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm dù các địa phương đều khẳng định đã vào cuộc tích cực. “Tập quán nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn đã tồn tại từ nhiều năm nay trong vùng đồng bào dân tộc Jrai ở địa phương. Để thay đổi điều này, chính quyền xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động rất nhiều. Theo thống kê, xã có hơn 400 chuồng bò dưới gầm nhà sàn, rất mất vệ sinh môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh, bắt buộc phải di dời. Đến nay, xã đã di dời được 185 chuồng bò ra khỏi gầm nhà sàn, xa nơi ở của người dân”-ông Phạm Văn Phương-Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar-cho hay.
Cũng theo ông Phương, vẫn còn nhiều hộ dân do thiếu kinh phí hoặc khuôn viên vườn đất chật hẹp nên chưa thể di dời chuồng trại gia súc. Hiện tại, Mặt trận và các đoàn thể của xã đang đi đầu tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm nhà sàn; xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, triển khai phong trào “5 không, 3 sạch”, để sau đó lan tỏa ra cộng đồng dân cư”.
Hiện tại, việc di dời chuồng trại gia súc chủ yếu do người dân tự bỏ tiền thực hiện, chính quyền địa phương không có kinh phí hỗ trợ. Tuy nhiên, do cuộc sống của đa số đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương còn khó khăn nên quá trình thực hiện di dời còn chậm và kéo dài.
Trần Đức