Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 vừa qua một lần nữa nhấn mạnh việc xây dựng con người văn hóa luôn là mục tiêu chung của các quốc gia, là trách nhiệm của toàn xã hội và xây dựng văn hóa mạng cũng bắt nguồn từ chính cuộc sống thực.
Trong tiến trình vận động để trở thành quốc gia số vào năm 2030, môi trường văn hóa trên không gian mạng ngày càng trở nên quan trọng. Việt Nam đã có nhiều chương trình chiến lược xây dựng và bảo vệ môi trường văn hóa trên không gian mạng cho những người trẻ. Cần thiết phải thống nhất một nhận thức chung về các nguy cơ sai lệch văn hóa và những giải pháp để các chương trình được triển khai thành công.
Có thể thấy, công nghệ và Internet làm thay đổi văn hóa đọc của giới trẻ. Văn hóa đọc lướt, đọc vuốt các tiêu đề, hình ảnh trên điện thoại lấn lướt việc đọc sách. Tỷ lệ nghiện game online, nghiện mạng xã hội trở thành một vấn nạn. Do vậy, để có thể an toàn và vững vàng trên không gian số, người trẻ cần được trang bị năng lực thông tin (bao gồm năng lực tìm kiếm, thẩm định, đánh giá, sử dụng và trình bày thông tin); năng lực số để ý thức về dấu chân số và hình ảnh bản thân không gian mạng; các kỹ năng an toàn khi sử dụng mạng, cách thức ứng phó với các sự cố trên mạng. Cần xuất phát từ những nhu cầu tâm lý của giới trẻ hiện nay để phát động thành những phong trào trên không gian mạng. “Dùng cái đẹp để dẹp cái xấu”. Ví dụ như, khi lo lắng về các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh lương thực, khí hậu..., nhiều người trẻ thử nghiệm các phong cách sống khác nhau như “sống xanh”, “sống tối giản”, “sống khám phá thiên nhiên”, coi “chạy là lẽ sống”... Họ ủng hộ sự khác biệt giới tính, hôn nhân đồng giới, chuyển giới... Vì vậy, cần có những chính sách khuyến khích thúc đẩy những lối sống lành mạnh, thúc đẩy phong trào bình đẳng giới, những tấm gương hy sinh vì cộng đồng trên không gian mạng để bài trừ văn hóa - lối sống không lành mạnh.
Phải xem việc xây dựng văn hóa trên không gian mạng là trách nhiệm của toàn xã hội. Các bộ ngành đều cần có những quy tắc ứng xử trên không gian mạng theo những giá trị chuẩn mực chung (như an toàn, tôn trọng, trách nhiệm và lành mạnh). Ví dụ, chúng ta biết hành vi tiêu dùng và định hướng thời trang của giới trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những nghệ sĩ nổi tiếng, thì cần có quy tắc ứng xử dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật để nâng cao năng lực thẩm mỹ có văn hóa, định hướng giới trẻ tiêu dùng có văn hóa. Và trên hết, để xây dựng môi trường có văn hóa trên không gian mạng, cái gốc cần có là một thế hệ những người trẻ được “tắm” mình trong những giá trị dân tộc, giá trị hiện đại và phổ quát của nhân loại trong cuộc sống thực, từ môi trường gia đình, nhà trường đến các nhóm cộng đồng xã hội.
Để tiếp thu, giữ gìn và góp phần phát triển văn hóa Việt trên không gian mạng, những người trẻ hôm nay phải tự giáo dục, không ngừng rèn luyện để trở thành những chủ thể văn hóa. Hãy quyết định lối sống đẹp mà ta hướng tới, phấn đấu trở thành những đại sứ văn hóa góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa tiên tiến và đưa chúng trở thành lối sống, phong cách sống đặc trưng của thế hệ hôm nay.
PGS-TS TRẦN THÀNH NAM - Đại học Quốc gia Hà Nội (SGGPO)