Xuân trên đảo Tiên Nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 5 giờ sáng 1-1-2012, mặt trời bắt đầu tỏa những tia nắng đầu ngày trên đại dương mênh mông xanh thẳm. Vừng đông rực hồng kỳ vĩ dát vàng đến từng dợn sóng lăn tăn yên bình. Trong ngày đầu tiên của năm mới 2012, chúng tôi vui mừng được có mặt trên đảo Tiên Nữ (quần đảo Trường Sa), điểm cực Đông của Tổ quốc, nơi mỗi ngày đều được đón ánh mặt trời đầu tiên của đất nước.

Đảo Tiên Nữ. Ảnh: Phương Duyên
Bình minh trên biển. Ảnh: Phương Duyên

1. Rời tàu HQ 936, chiếc xuồng nhỏ bồng bềnh đưa chúng tôi cập vào đảo Tiên Nữ-hòn đảo mang cái tên lãng mạn bậc nhất trong số 33 điểm đảo của quần đảo Trường Sa. Đây cũng là đảo xa nhất tính từ đất liền với khoảng cách đến gần 400 hải lý (gần 800 cây số). Càng tiến gần đến “nàng tiên” xinh đẹp này, nước biển càng đổi màu nhanh chóng và ngoạn mục: Từ xanh thẳm, xanh lơ đến xanh trong màu ngọc bích. Trước mũi xuồng, từng đàn cá nhỏ màu trắng bạc đua nhau búng mình lên khỏi mặt nước như một lời chào thân thiện. 

Đảo Tiên Nữ. Ảnh: Phương Duyên
Đảo Tiên Nữ. Ảnh: Phương Duyên

Tiên Nữ mỗi lúc một gần lại. Nổi bật trên nền trời nước bao la là lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay phấp phới trên cột cờ của đảo khiến bất cứ ai cũng cảm thấy một niềm tự hào khó tả, dù rằng lúc này đảo chìm Tiên Nữ trước mắt chúng tôi chỉ là một khối nhà khiêm tốn giữa đại dương. Tổ quốc không còn là khái niệm quá lớn lao hay “chung chung” nữa. Tổ quốc là đây.

Trong ánh ngày tươi tắn, mùa xuân đã chạm cửa Tiên Nữ khi những món quà Tết từ đất liền được chuyển đến: Mai vàng, nếp, lá dong, bánh kẹo… Đại úy Phan Ngọc Quế- phụ trách bộ phận cơ yếu của đảo, người sắp đón cái Tết thứ hai trên đảo Tiên Nữ- xúc động bày tỏ: “Ngoài những món quà vật chất, sự có mặt của các nhà báo là niềm động viên về tinh thần lớn nhất đối với cán bộ chiến sĩ trên đảo trong ngày đầu tiên của năm mới 2012…”.

Tết sớm với cán bộ chiến sĩ trên đảo Tiên Nữ. Ảnh: Phương Duyên
Tết sớm với cán bộ chiến sĩ trên đảo Tiên Nữ. Ảnh: Phương Duyên

Cũng qua 2 cái Tết xa nhà- một năm huấn luyện tân binh ở vùng 4 Hải quân (Cam Ranh, Khánh Hòa) và năm nay ở Tiên Nữ- chiến sĩ Cao Phi Hùng, quê Biên Hòa, Đồng Nai, không giấu được niềm vui khi “nhà có khách”. Hùng phấn chấn cho hay, từ sáng sớm gia đình và bạn bè đã tới tấp gọi điện chúc mừng năm mới.

“Cũng thấy nôn nao và bâng khuâng hơn mọi ngày. Nhớ không khí ấm cúng ở nhà, cảnh cả gia đình quây quần chúc Tết vào đêm 30, nhớ những món ăn ngon ngày Tết như bánh chưng củ kiệu, thịt kho hột vịt…”- chàng lính trẻ bồi hồi tâm sự.

Xuân đoàn tụ của hai anh em Nguyễn Đình Minh và Nguyễn Đình Thanh trên đảo Tiên Nữ. Ảnh: Phương Duyên
Xuân đoàn tụ của hai anh em Nguyễn Đình Minh và Nguyễn Đình Thanh trên đảo Tiên Nữ. Ảnh: Phương Duyên

2. Không khí của Tết sớm càng thêm ấm áp khi ngay tại đảo có một cuộc hội ngộ đầy xúc động giữa hai anh em ruột Nguyễn Đình Thanh và Nguyễn Đình Minh, một người là quân nhân chuyên nghiệp phụ trách ra-đa đảo Tiên Nữ, còn một người là nhân viên kỹ thuật của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), đang cùng đơn vị đến tu sửa, nâng cấp cột viễn thông của Viettel tại đây. Trung úy Nguyễn Đình Thanh, quê Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, mỗi người một nơi, một việc nên đã 3 năm rồi anh em mới được gặp lại nhau; nhưng may mắn là năm nay cả hai anh em sẽ cùng nhau về quê đón Tết Nhâm Thìn trên chuyến tàu HQ 936. Anh Trần Đình Minh cũng nở nụ cười sáng rỡ: “Thật vui mừng và hạnh phúc khi lần đầu gặp anh trai ở đảo Tiên Nữ.

Bình thường anh em chỉ liên lạc qua chat, qua điện thoại thôi”. Rất hiểu nỗi khó khăn của người lính đảo vì đã tham gia nhiều chuyến đi nâng cấp cột viễn thông Viettel ở các đảo, Minh cho biết anh rất vinh dự vì có người anh trai làm nhiệm vụ ngoài đảo xa. Và như thế, bằng nhiều cách khác nhau, cả hai đều đã đóng góp một phần sức mình cho biển đảo Việt Nam thân thương.

Niềm vui của Đại úy Phan Ngọc Quế khi chăm sóc cây bàng vuông-cây xanh duy nhất trên đảo. Ảnh: Phương Duyên
Niềm vui của Đại úy Phan Ngọc Quế khi chăm sóc cây bàng vuông-cây xanh duy nhất trên đảo. Ảnh: Phương Duyên

Song, điều khiến khách đến đảo rất ấm lòng còn là sự hiện diện của một cây bàng vuông trên đảo. Đảo chìm còn thiếu đất, thiếu chỗ trồng rau thì làm sao trồng được bàng vuông? Ai cũng biết, nơi đây, đất trồng rau phải được chuyển đến hàng năm bằng tàu biển. Vậy mà một cây bàng vuông, loài cây đặc trưng nhất ở các đảo nổi, đã được Đại úy Phan Ngọc Quế tự tay ươm trồng trong một chậu đất nhỏ từ hơn 1 năm trước, như một “kỳ tích”. Trừ đám rau mầm ra, đây là cây xanh duy nhất trên đảo.

Từ một quả bàng vuông trôi dạt trên biển, cây bàng vuông cứng cáp giờ đã trưởng thành, làm đẹp lòng người với mong muốn có thêm màu xanh trên hòn đảo vốn đã quá chật hẹp. Cây cao chỉ khoảng nửa mét, trong khi nếu trồng trong điều kiện bình thường thì đã phải cao đến 2 mét. Vậy mới hiểu được vẻ rạng rỡ trên gương mặt Đại úy Phan Ngọc Quế khi nâng niu chăm sóc từng chiếc lá bàng vuông. “Nếu nó lớn thêm thì tôi sẽ thay chậu”-chỉ vào chiếc xô đang được “trưng dụng” để trồng rau, người sĩ quan cơ yếu vui vẻ dự tính.

Đó thật là điều “xa xỉ” đối với một đảo chìm như Tiên Nữ. Nhưng, với lính đảo nơi này, niềm vui giản dị ấy mới chính là Xuân... 

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm