Văn hóa

45 nghệ nhân thi đan lát, dệt thổ cẩm tại Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 9-11, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức “Cuộc thi nghề đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch” tại khu vực nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) 
Nghệ nhân trình diễn tay nghề tại cuộc thi. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya, đồng thời triển khai thực hiện kế hoạch số 657/KH-UBND của UBND tỉnh về Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tham gia cuộc thi có 30 nghệ nhân dệt thổ cẩm và 15 nghệ nhân đan lát đến từ các thôn, làng của huyện Chư Păh. Tại cuộc thi, các nghệ nhân trình diễn tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm trên khung dệt truyền thống. Ngoài ra, mỗi nghệ nhân nộp trước cho ban tổ chức 1 sản phẩm đã hoàn thiện.

Đối với ngề đan lát, nộp trước tác phẩm gùi (có nắp hoặc không, có đế gỗ). Đối với sản phẩm dệt, nghệ nhân nộp trước sản phẩm đã hoàn thiện như khăn choàng, khăn địu con, váy áo truyền thống.

Nghệ nhân Rơ Châm Vơn (bìa phải)-làng Pok, xã Ia Khươl giành giải nhất nội dung dệt vải. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Ban giám khảo chấm điểm các sản phẩm dựa trên các tiêu chí như tính ứng dụng, tính truyền thống (hoa văn, chất liệu), tính thẩm mỹ (màu sắc, kiểu dáng), tính sáng tạo. Sản phẩm đạt giải ban tổ chức sẽ giữ lại để trưng bày, quảng bá trong các sự kiện văn hóa-du lịch.

Kết quả, ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 1 giải nhì và 3 giải ba cho các nghệ nhân dệt vải; trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba cho các nghệ nhân đan lát. Nghệ nhân Rơ Châm Vơn (làng Pok, xã Ia Khươl) giành giải nhất dệt vải, nghệ nhân Rơ Châm Beoh (làng Hreng, xã Hòa Phú) giành giải nhất đan lát. Tổng giá trị tiền thưởng trao cho các nghệ nhân là 22 triệu đồng, trong đó giải nhất trị giá 4 triệu đồng.

Phần thi của các nghệ nhân thu hút du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Cuộc thi thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm nghề truyền thống của đồng bào Jrai sinh sống ở huyện Chư Păh. Hoạt động nhằm khích lệ tinh thần sáng tạo, trao truyền nghề của các nghệ nhân trong cộng đồng, tạo ra nhiều sản phẩm truyền thống phù hợp với nhu cầu mua sắm, sử dụng của du khách.

Có thể bạn quan tâm