Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Lời dặn đầu tiên của Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vượt qua ngôn ngữ, hình thức của một bản Di chúc thông thường, những vấn đề viết về xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản di chúc đã đạt đến tầm lý luận sâu sắc.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua ngành nông nghiệp và Đổi công toàn quốc tại Hà Nội, ngày 23/5/1957. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua ngành nông nghiệp và Đổi công toàn quốc tại Hà Nội, ngày 23/5/1957. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)


Một trong những nội dung quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đầu tiên trong bản Di chúc là vấn đề xây dựng Đảng. Vượt qua ngôn ngữ, hình thức của một bản Di chúc thông thường, những vấn đề viết về xây dựng Đảng của Người trong Di chúc đã đạt đến tầm lý luận sâu sắc.

Đoàn kết là sức mạnh của Đảng

Nói về Đảng, trước hết Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò tổ chức và lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta: "Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác".

Đây là sự tổng kết mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc về vị trí, vai trò của Đảng. Thực tế cho thấy, từ khi được thành lập, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, lập nên nhà nước công nông đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Tiếp đó, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược.

Và cho đến thời điểm Người viết Di chúc, Đảng đã và đang lãnh đạo nhân dân tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất nước nhà.

Bác khẳng định yếu tố cốt lõi dẫn đến sự tổ chức, lãnh đạo thành công của Đảng đó là: "Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc." Như vậy, hai yếu tố quan trọng giúp cho Đảng có khả năng tổ chức, lãnh đạo, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân, phát huy được sức mạnh của cả dân tộc trong sự nghiệp cách mạng là sự đoàn kết chặt chẽ trong Đảng và Đảng một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Hai yếu tố này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đảng có đoàn kết chặt chẽ thì mới thực hiện được tôn chỉ, mục đích phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Ngược lại, phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc là cơ sở để tạo ra và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Bác cũng khẳng định: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình."

Thật vậy, đoàn kết là một nội dung quan trọng trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam được hình thành, củng cố và phát triển lâu dài trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn ai hết, Bác hiểu rõ đoàn kết có sức mạnh to lớn như thế nào.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn kết luôn là tư tưởng chiến lược cách mạng lâu dài nhất quán, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đoàn kết thống nhất trong Đảng chính là cơ sở của đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế, là sức mạnh của Đảng và là nguồn gốc của mọi thắng lợi. Do đó, trong công tác xây dựng Đảng, vấn đề đoàn kết đã được Bác đặt lên hàng đầu.

Sự so sánh giữa "giữ gìn đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình" hàm chứa ẩn ý rất sâu sắc. Có giữ gìn được đoàn kết trong Đảng mới giúp cho Đảng sáng suốt trong tổ chức, lãnh đạo nhân dân, trong xác định đường lối cách mạng. Ngược lại, Đảng không giữ gìn được sự đoàn kết, khác nào mắt bị hỏng con ngươi, như người mù không thấu tỏ đường đi.

Có thể thấy, chỉ trong một đoạn ngắn mà Bác sử dụng đến 5 từ "đoàn kết" cho thấy đây là một điều kiện không thể thiếu, một điều kiện tất yếu khi Đảng muốn xây dựng, phát triển trong sạch, vững mạnh.

Không những chỉ ra vai trò to lớn của sự đoàn kết, Bác còn chỉ ra cách thức, phương pháp để thực hiện đoàn kết nhất trí trong Đảng.

Bác viết: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau." Đây không chỉ là sự đúc kết, khái quát mang tầm lý luận sâu sắc mà còn là biểu hiện tầm cao trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sinh thời, Người từng nêu lên mối quan hệ giữa thực hiện dân chủ và đoàn kết trong Đảng: Không thực hiện dân chủ thì không đoàn kết được, nhất là dân chủ trong Đảng. Vì Đảng ta cầm quyền, không dân chủ trong Đảng thì làm sao dân chủ trong dân được. Nhờ có dân chủ mà Đảng ta đã khơi dậy, phát huy cao nhất trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Nhờ có dân chủ trong Đảng nên đã khắc phục được tình trạng bè cánh, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, xa rời quần chúng.

Vì vậy, "thực hành dân chủ rộng rãi" là điều vô cùng cần thiết trong Đảng.Bên cạnh đó, phê bình và tự phê bình cũng là một nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng, là quy luật phát triển và là vũ khí sắc bén của Đảng.

Phê bình và tự phê bình không những để sửa chữa khuyết điểm trong Đảng, làm cho đảng viên tiến bộ và mạnh lên mà còn khẳng định Đảng thật sự chân chính. Khi căn dặn về thực hiện phê bình và tự phê bình trong Đảng, Bác lưu ý phải tiến hành "thường xuyên và nghiêm chỉnh." Bởi lẽ, nếu không được tiến hành thường xuyên, lúc làm, lúc không thì sự phê bình và tự phê bình không kịp thời; mặt khác, nếu tiến hành không nghiêm chỉnh, qua loa, hình thức, "dĩ hòa vi quý" thì không có hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng.


 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV) diễn ra tại Hà Nội tháng 12/1966. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV) diễn ra tại Hà Nội tháng 12/1966. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)


Bác cũng không quên nhắc nhở cán bộ, đảng viên "phải có tình thương yêu lẫn nhau." Bởi trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì mới thực hành được "dân chủ rộng rãi," mới "thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình." Không có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau sẽ dẫn đến dân chủ hình thức, tự phê bình và phê bình không nghiêm túc.

"Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng"

Trong Di chúc, nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đảng ta là một đảng cầm quyền" tức là chính quyền do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Do đó, người yêu cầu: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư".

Vì đạo đức cách mạng là "nền tảng," là "cái gốc" của người cán bộ. Bởi "có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc," "Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ"; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa".

Có thể nói, đạo đức cách mạng chính là cơ sở giúp đảng viên và cán bộ giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng nhân dân, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Bên cạnh đó, người cán bộ, đảng viên cũng cần phải "thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư." Bởi một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ. Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn.

Và câu cuối cùng trong phần nói về Đảng trong Di chúc, Bác viết: "Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

Để Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, Bác căn dặn: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước".

Bác cũng nhắc nhở rằng, trong học tập, lao động, công tác cũng như trong cuộc sống đời thường của từng người ở xã hội ta vào thời kỳ cách mạng nào cũng thế, nếu sự bất liêm, bất chính, lãng phí, tham ô, lười biếng, vô trách nhiệm, thu vén cá nhân, ích kỷ vì lợi ta hại người.. còn lẩn khuất đâu đó bằng sự dối trá với chính mình, với tập thể và cộng đồng thì đó là "kẻ thù nội xâm" nguy hiểm khôn lường.

Không ngừng chăm lo tự xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt 50 năm qua, Đảng ta đã không ngừng xây dựng, chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Nghị quyết Trung ương 23, khóa III (tháng 12/1974) về xây dựng Đảng đã tạo sức mạnh, sự thống nhất ý chí, hành động của Đảng, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng.

Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) là sự tự phê bình, phê bình nghiêm túc, một cuộc chỉnh đốn lớn để đi đến hoạch định đường lối đổi mới.

Hội nghị Trung ương 3, khóa VII (tháng 6/1992) về đổi mới, chỉnh đốn Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới phát triển mạnh mẽ vượt qua thách thức của sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô...

Với thành quả của các chặng đường đấu tranh cách mạng, trực tiếp là của công cuộc đổi mới, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đánh giá đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của cán bộ, đảng viên. Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta-Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Minh Duyên (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm