Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

50 năm thực hiện di chúc Bác: Từ lý luận đến thực tiễn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội thảo “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị lý luận và thực tiễn” do Trường Chính trị tỉnh tổ chức mới đây đã thêm một lần nữa khẳng định giá trị to lớn về lời căn dặn của Bác trước lúc đi xa.
Gia Lai làm theo lời Bác
Ngoài lãnh đạo các cơ quan, ban ngành trong tỉnh, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị các tỉnh Kon Tum, Đak Lak, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, hội thảo còn chào đón sự có mặt của ông Phạm Đình Thu-nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh. Bằng kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, ông Phạm Đình Thu đã mang đến hội thảo bài tham luận “50 năm Gia Lai thực hiện Di chúc của Bác Hồ”, qua đó khái quát về hành trình hiện thực hóa lời Bác căn dặn của tỉnh nhà từ trong kháng chiến cho đến lúc hòa bình, củng cố và xây dựng quê hương.
 Quang cảnh Hội thảo khoa học “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị lý luận và thực tiễn”. Ảnh: P.L
Quang cảnh Hội thảo khoa học “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị lý luận và thực tiễn”. Ảnh: P.L
Theo đó, thực hiện di huấn của Bác trong Di chúc: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Gia Lai đã đặt ra các nhiệm vụ phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Gia Lai đã từng bước khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, giải quyết nạn đói, xóa nạn mù chữ cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, y tế được quan tâm đầu tư và phát triển, từng bước đưa đời sống của nhân dân đi lên. Ông Phạm Đình Thu cho biết, trên cơ sở Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng năm 1991, Gia Lai đã tập trung phát huy những lợi thế và tiềm năng hiện có, ưu tiên cho phát triển nông-lâm nghiệp toàn diện, tạo vùng nguyên liệu tập trung với quy mô lớn, đảm bảo năng suất, chất lượng. Sau hơn 30 năm đổi mới, Gia Lai đã có hơn 94.000 ha cà phê, 100.000 ha cao su, gần 17.000 ha hồ tiêu, hơn 40 ngàn ha mía; đặc biệt là gắn vùng nguyên liệu với cơ sở sản xuất, chế biến. Sau nhiều năm nỗ lực chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, ngành công nghiệp Gia Lai đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, nhiều sản phẩm công nghiệp của tỉnh đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương. Các công trình thủy điện lớn trên sông Sê San như Ia Ly, Sê San, Sê San 3A, 4A… được xây dựng. Đến nay, 100% xã có điện lưới quốc gia, gần 98% số hộ đã dùng điện thắp sáng và sản xuất… Những thành tựu Gia Lai đạt được đã góp vào thành tích chung của cả nước, đưa nước ta từ một nước thuộc diện đói nghèo “bước vào ngưỡng cửa của một xã hội phát triển”.
Lời căn dặn của Bác còn được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện bằng nhiều hành động cụ thể, thiết thực, đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Thạc sĩ Dương Trung Kiên (Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Gia Lai) nhận định: “Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng, thanh niên ngày nay tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh, có thái độ và ý thức chính trị rõ ràng đối với vận mệnh của đất nước, tin vào sự lãnh đạo của Đảng, có chí tiến thủ, sớm có ý chí lập thân lập nghiệp, ý thức chia sẻ, tương thân, tương ái, không ngại khó khăn, cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc”.
“Kim chỉ nam” định hướng phát triển kinh tế-xã hội
 
Tiến sĩ Nguyễn Thái Bình-Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Gia Lai: “Hội thảo đã nhận được 56 bài tham luận của các đồng chí đã và đang là cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh; cán bộ, giảng viên các Trường Chính trị khu vực. Hội thảo tiếp tục khẳng định Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện có giá trị to lớn mang tầm thời đại, là kết tinh của chủ nghĩa nhân văn, có ý nghĩa lớn lao đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Sau nửa thế kỷ kể từ ngày bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố, “ngọn đuốc” ấy vẫn sáng rực, soi lối dẫn đường, là “kim chỉ nam” cho mọi quyết sách, hành động của Đảng, của các cấp lãnh đạo. Hội thảo “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị lý luận và thực tiễn” một lần nữa khẳng định giá trị vô cùng to lớn cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn của “báu vật quốc gia” này. Những vấn đề lý luận đặt ra trong Di chúc đã được các đại biểu phân tích gắn với từng vấn đề của công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống… của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng. Một số đại biểu đã nêu nhiều ý kiến, kiến nghị, giải pháp triển khai hiệu quả hơn nữa những lời di huấn của Bác trong thực tiễn.
Đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị lý luận và thực tiễn” do Trường Chính trị tỉnh tổ chức, Th.S Lê Đình Hoan-Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đak Lak-bày tỏ: “Đây là một hội thảo khoa học lý luận chính trị có ý nghĩa thiết thực, là cơ sở để chúng ta nghiên cứu, khẳng định vai trò, giá trị lý luận và thực tiễn lớn lao của Di chúc, đồng thời quán triệt các giảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, vận dụng các nội dung, kết quả của Hội thảo vào giảng dạy, nghiên cứu, học tập, công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây cũng là nơi đề xuất những ý tưởng, giải pháp hay dựa trên cơ sở lý luận khoa học, từ đó áp dụng vào thực tiễn”. Cùng quan điểm, TS. Ngô Hoàng Anh-Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở (Trường Chính trị tỉnh Kon Tum) cho rằng: “Sự có mặt của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách với những minh họa thực tế sinh động sẽ giúp khoa học và thực tiễn gắn liền với nhau, từ đó có những dự báo và định hướng chính xác, hiệu quả hơn trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”.
 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm