Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Âm thanh mùa hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quê tôi có cụm từ “nắng de (ve) kêu” để chỉ cái nắng gay gắt khi vào hè. Do vậy, buổi trưa khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc dàn đồng ca của lũ ve sầu đinh tai nhức óc ở hàng cây mù u hai bên đường làng cất lên.

Lúc này, mọi người không còn ai bước ra khỏi cửa nhà để tránh cái nắng “u đầu” và thứ âm thanh “ve…ve…” thành điệp khúc kéo dài khiến lỗ tai điếc đặc.

Nắng nóng đến độ con chó mực nhà tôi chê cơm, trốn vào gầm phản nằm le lưỡi nhìn ra, mắt đỏ sọc lên trông dữ tợn. Mẹ tôi sợ nó lên cơn dại rồi cắn bậy người đi đường nên bảo ba xích lại và dặn anh em tôi không được lại gần hay đùa nghịch với con mực như mọi ngày.

Và cũng lạ, cứ đến thời kỳ mặt trời trút lửa thì lũ chó cỏ nuôi ở xóm tôi thường bị dại, chạy rông khắp nơi, gặp ai cũng nhe hàm răng sắc nhọn, miệng đầy nước dãi, gầm gừ khiến bọn trẻ chúng tôi ù té chạy mất dép.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Buổi trưa hè, không khí như đặc quánh, cái quạt mo trên tay mẹ luôn phe phẩy nhưng cái nóng không làm ai chợp mắt được, thi thoảng tiếng chó nhà hàng xóm vẫn sủa những tràng như tru tréo đến phát sợ…

Còn tiếng ve và mùa phượng vĩ bung nở đỏ rực sân trường là thông điệp vui buồn lẫn lộn của lũ học trò. Chúng tôi bồi hồi, xao xuyến chuẩn bị cho mùa chia tay bè bạn, thầy cô kéo dài. Tôi nhớ, trong buổi học cuối cùng lớp đệ tứ thời trung học đệ nhất cấp (tương đương lớp 9 ngày nay), cô giáo chủ nhiệm dành thời gian cho lớp văn nghệ.

Bạn Kim Tuyến-Lớp phó văn thể điều hành và hát bài “Họp mặt lần cuối” (sáng tác Song Ngọc) làm cả lớp ngẩn ngơ, mắt đứa nào cũng đỏ hoe vì xúc động, nhất là nghe đến đoạn ca từ: “Ve kêu gọi hè sang/Phượng về khơi niềm nhớ/Giây phút chia tay là đây/Chép cho ai bài thơ/Lưu bút thư sinh mình ghi/Chiếc hình kỷ niệm hôm nay…”.

Thời khắc ấy, tôi ngồi bên cửa sổ, nhìn ra hàng phượng vĩ trước sân trường. “Dàn đồng ca” ve sầu hòa cùng lời bài hát khiến không khí buổi học cuối cùng hôm ấy khắc ghi trong tâm hồn còn non nớt như những chú chim nhỏ dại của chúng tôi. Bây giờ có dịp họp lớp, chúng tôi vẫn ôn lại kỷ niệm đầu đời đáng nhớ ấy.

Có lẽ vì thế, tiếng ve với tôi là cả bầu trời mùa hạ dễ thương và đầy lãng mạn. Ve sầu sinh trưởng ở vùng nhiệt đới và có vòng đời ngắn. Chúng chọn mùa hè để “yêu đương” và sinh sản. Tiếng kêu của loài ve này được xếp vào đệ nhất âm thanh của họ côn trùng. Nhiều người thường dị ứng với âm thanh inh ỏi chiếm cả không gian rộng lớn, nhất là nơi nhiều cây cao bóng mát. Riêng tôi, mỗi lần nghe tiếng ve, dù ở phố thị hay quê nhà vẫn mang đến bầu trời tuổi thơ đầy thương nhớ.

Trong dịp hè về thăm quê, mỗi buổi trưa nóng bức, tôi nằm trên phản gỗ mát rượi, mở bung cửa sổ nhìn ra khu rừng miếu và nghe dàn nhạc của các chú ve “hòa tấu” trầm bổng du dương. Khi dàn âm thanh ve sầu vừa dứt thì tiếng chim “bắt cô trói cột” lại lanh lảnh vang xa trong thinh vắng của giấc trưa nồng nàn khiến tâm hồn tôi dịu lại, đầy cảm xúc yêu thương quê nhà.

Nhớ câu thơ đầy tiếng chim của bạn xứ Quảng: “Tiếng chim như trói hồn tôi/Hàng cây yên lặng bồi hồi nhớ thương/Tuổi thơ bóng ngả bên đường/”Bắt cô” thì bắt… nên thương phận người…”.

Có thể bạn quan tâm