Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Bà ngồi đan võng ngày mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mưa đêm rả rích. Nằm ru con ngủ trên chiếc võng lưới cán thép kêu lạch cạch, bao ký ức chợt ùa về trong tôi. Tôi nhớ về những mùa mưa trước, khi xăng xít phụ bà nội đan võng, may bạt bằng việc tận dụng những chiếc bao bì cũ.

Mang theo giấc mộng đổi đời, từ vùng quê nghèo đói ở Hà Tĩnh, gia đình tôi chuyển vào huyện biên giới Ia Grai lập nghiệp. Buổi đầu, ba mẹ trần lưng khai phá đất hoang để trồng cây cao su, cà phê; khi được nghỉ học thì có chúng tôi lẽo đẽo theo sau. Bữa ăn ngày đó chủ yếu là cơm với rau rừng. Họa hoằn lắm mới có thức món từ cá biển, thịt heo. Mùa mưa khiến công việc của ba mẹ tôi nặng nhọc hơn ngày nắng ráo. Có những hôm mưa to, nước sông lên nhanh do thượng nguồn ào ào đổ về làm ngập cầu khỉ, ba mẹ tôi phải dầm mưa đi bộ đường vòng 3-4 km mới về đến nhà, người run bần bật vì lạnh. Về đến nhà là vào ngay bếp lửa sưởi ấm.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Có một lần, mẹ liều mình dắt tôi bám theo thanh vịn trên cầu khỉ vượt sông khi nước dâng cao ngang ngực. Một cú sẩy chân khi bước lên bờ sông bên kia trơn trượt khiến đứa em mới hoài thai trong bụng mẹ không có cơ hội nhìn ánh mặt trời.

... Đêm đến, cả nhà co ro ngủ trên mấy tấm ván ghép lại có trải chiếu cói mang từ quê vào. Để gió lạnh bớt lùa qua vách thưa thưng ván, ba mẹ tôi thường dùng dao xẻ bao bì đựng phân bón, nông sản làm đôi rồi dùng kim may lại làm bạt che quanh nhà.

Vậy nhưng, chúng tôi lại mong mùa mưa đến sớm hơn. Lý do là lúc đó, nguồn cung cấp thực phẩm từ thiên nhiên lại dồi dào hơn. Đó không chỉ những ụ nấm mối mọc chi chít sau mưa mà còn là măng le, rau rừng hay đôi con cá dính câu cắm dọc bờ sông sát khu rẫy của gia đình. Cũng có rất nhiều lần, những hộ người Jrai làm rẫy liền kề thương cảnh thiếu thốn của gia đình mà hái cho mấy quả bí, bầu, mướp trên rẫy.

Những đêm mưa cũng giúp các thành viên trong gia đình tôi thêm gắn bó. Cả nhà xúm lại phụ bà nội may bạt để phục vụ việc thu hái, phơi cà phê. Dưới ánh đèn dầu le lói, bà ngồi ghép các mảnh bao xác rắn rồi dùng kim khâu chúng lại với nhau thành những tấm bạt rộng 2-3 m và dài 4-5 m, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Đôi khi, nội cũng lật mở mấy tấm bạt cũ từ năm trước ra rồi vá lại. Dù may thủ công nhưng loại bạt của nhà làm được này có độ bền cao, sử dụng được nhiều năm. Thế nên, gia đình tôi ít khi phải mua loại bạt bán ngoài thị trường. Tất cả cũng là nhờ đôi tay khéo léo của bà nội.

Nội tôi đan võng từ bao bì cũng tài. Từ những sợi nhựa được gắn chặt vào nhau thành cái bao đã cũ, nội tôi ngồi tỉ mẩn tách chúng ra, bó thành từng bó nhỏ. Khi tách đủ số lượng cần thiết, bà bắt đầu ngồi đan. Tay nội xoa xoa vào nhau để xoắn tròn sợi nhựa rồi kết chúng lại thành một chiếc võng hoàn chỉnh. Có chiếc võng được làm xong chỉ chừng 1 tháng nhưng cũng có chiếc 2-3 tháng, lâu là do thiếu nguyên liệu hoặc vì nội bận phụ ba mẹ tôi việc nương rẫy.

Nội tôi nay đã theo mây trắng về trời. Việc may bạt từ bao bì, mẹ tôi cũng làm nhưng thưa hơn còn đan võng thì mẹ không rõ. Khóe mắt tôi cay cay nhớ về giấc ngủ tuổi thơ trong cánh võng chao kẽo kẹt cùng đôi câu dân ca ví dặm xứ Nghệ ầu ơ của nội.

Ngoài hiên, mưa chưa thôi rơi !...

Có thể bạn quan tâm